Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phải giữ vai trò đầu tàu về kinh tế số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã gần 70 năm kể từ thời điểm giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Hà Nội đã có nhiều bước phát triển vượt bậc về kinh tế với nhiều cột mốc quan trọng. Nhằm hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn, kinh tế số đang trở thành hướng đi bắt buộc với Hà Nội.

Tiếp sau tọa đàm "Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn bền vững" Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính về vai trò của kinh tế số với Thủ đô, để tiếp tục làm rõ và lan tỏa thông tin các vấn êề của tọa đàm.

Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son rực rỡ của Hà Nội. Ông có thể điểm lại giúp những dấu ấn đặc biệt nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội suốt 70 năm qua?

Như chúng ta đã biết, vào ngày 10/10/1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích rất nhỏ chỉ khoảng 130km2 với nền kinh tế cũng khá èo uột, có hơn 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Không chỉ thế, GDP bình quân đầu người lúc đó của Hà Nội cũng rất thấp so với thủ đô các quốc gia xung quanh, thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và chính quyền Thủ đô, việc đầu tiên mà Hà Nội làm được là xóa bỏ nạn mù chữ vào năm 1957, từ đó tạo ra bước chuyển biến lớn trong lực lượng lao động TP Hà Nội cũng như nâng cao ý chí độc lập, tự cường của Thủ đô.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính.

Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, cũng như là hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong cả nước.

Đến năm 1982, sau khi chúng ta gọi là kết thúc cuộc chiến tranh được 7 năm thì Hà Nội về cơ bản đã coi là hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội và có những bước tiến tốt hơn.

Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học công nghệ, cùng với thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế và từ đó giúp Thủ đô Hà Nội vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình mà xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước.

Đến năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình và đến năm 2000 được vinh danh là Thủ đô anh hùng.

Đến năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Điều này đã giúp cơ cấu kinh tế của Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

Từ cơ sở đó, chúng ta thấy rằng quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP Hồ Chí Minh

Những năm gần đây, Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Trên cơ sở này, đến năm 2020 trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, kinh tế Hà Nội có bước phát triển cũng rất mạnh mẽ. Vào năm 2022 mặc dù tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước.

Hy vọng rằng với đà phát triển của giai đoạn 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, với ý chí quyết tâm, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ, Hà Nội sẽ sớm có được những bước phát triển mới, tạo ra năng suất lao động cao hơn, hiệu quả lớn hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Theo ông, Hà Nội tập chung vào phát triển kinh tế số có phải là hướng đi đúng đắn để tạo ra các cột mốc mới mạnh mẽ hơn không?

Phát triển kinh tế số đang là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và nền kinh tế số của Việt Nam cùng nằm trong nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới với mức 25% trong năm 2023.

Với vai trò là Thủ đô, do đó Hà Nội đi đầu trong phát triển kinh tế số là đòi hỏi bắt buộc. Điều đó cũng giúp Hà Nội thích ứng với quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế quốc gia, từ đó xây dựng một xã hội số phồn vinh hơn.

Hiện Hà Nội đang hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số, từ cơ chế chính sách, sở hữu một lực lượng trí thức rất lớn cho đến mức độ sử dụng phương tiện cao nhất trong cả nước. Điều này là cơ sở vững chắc cũng như yêu cầu bắt buộc để Hà Nội trở thành đầu tàu dẫn đầu nền kinh tế số của cả nước.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế số của Hà Nội cần gắn liền với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Vì chỉ khi tiết kiệm được được chi phí sản xuất, tối ưu hóa quy trình công nghệ thì mới có thể hướng tới phát triển bền vững. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quá trình xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua với việc phát triển kinh tế số của Hà Nội?

Cần nhìn nhận Luật Thủ đô 2024 là đột phá lớn khi trao cho Hà Nội quyền hạn để tự quyết định các dự án lớn để phát triển cũng như sử dụng nguồn vốn địa phương, thậm chí là có quyền đi vay để đầu tư phát triển kinh tế. Đây là cơ sở quan trọng để từ đó Hà Nội duy trì vị thế trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.

Luật Thủ đô 2024 cũng cũng tạo điều kiện cho HĐND, UBND TP Hà Nội có cơ sở để nguồn lực cả về tài chính, công nghệ, khoa học cũng như các yếu tố khác để tập trung phát triển kinh tế Thủ đô. Từ đó, giúp Hà Nội trở thành đầu tàu của kinh tế phía Bắc cũng như rộng hơn là cả nước.

Với việc Chính phủ đang kỳ vọng vào việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thông qua các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen... Ông cho rằng Hà Nội có cơ hội để tham gia những lĩnh vực này không?

Ngay từ năm 2023, việc phát triển công nghệ bán dẫn và sản xuất chip điện tử đã được xác định là một trong những bước đột phá cho nền kinh tế của Việt Nam. Những lĩnh vực này là cơ hội để Việt Nam có năng suất lao động cao hơn cũng như thay đổi về chất cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn quốc.

Vậy rõ ràng với Hà Nội, nơi tập trung lực lượng nhân sự khoa học công nghệ rất lớn, có kinh nghiệm trong sản xuất chip bán dẫn là cơ hội để Thủ đô trở thành một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực này.

Nhìn chung, việc tham gia vào lĩnh vực chip bán dẫn sẽ giúp thay đổi cơ cầu sản xuất, tăng năng suất lao động cũng như giúp Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Nếu Hà Nội phát triển được các lĩnh vực này thì cũng sẽ khiến thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội lọt vào top đầu cả nước.

Vâng, xin cám ơn ông!