Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phấn đấu có thêm 875 sản phẩm OCOP trong năm 2020

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, đăng ký mục tiêu thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020.

Sản phẩm nón lá làng Chuông, huyện Thanh Oai.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, trong năm 2019, đã có 71 chủ thể thuộc 18 quận, huyện thị xã tham gia Chương trình OCOP. Quá trình thẩm định, đã có 301 sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP.
Trong số này, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, đang trình hồ sơ để Hội đồng Trung ương xem xét, công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Ngoài ra, còn có 207 sản phẩm 4 sao và 88 sản phẩm 3 sao. Trong số các sản phẩm được công nhận, có 133 sản phẩm của chủ thể là DN (chiếm 44,1%), 115 sản phẩm của chủ thể là hợp tác xã (chiếm 38,2%) và 53 sản phẩm của chủ thể là các hộ kinh doanh (chiếm 17,7%).
Sau khi tập trung rà soát, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký mục tiêu phấn đấu 779 sản phẩm được đánh giá công nhận là sản phẩm OCOP từ nay đến cuối năm 2020. Trong đó, huyện Đan Phượng đăng ký số lượng lớn nhất với 107 sản phẩm. Tiếp đến là Hoài Đức 78 sản phẩm, Thạch Thất 66 sản phẩm, Gia Lâm 61 sản phẩm, Thường Tín 59 sản phẩm…
Đáng chú ý, nếu như năm 2019, các địa phương tham gia chủ yếu là các huyện thì năm 2020, 11/12 quận đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Riêng quận Hai Bà Trưng chưa đăng ký tham gia. Theo đó, toàn TP đã có 29/30 quận, huyện, thị xã đăng ký thực hiện Chương trình OCOP năm 2020.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trên cơ sở đăng ký của các quận, huyện, thị xã, đơn vị đã đề nghị, giao chỉ tiêu tăng thêm cho một số địa phương. Theo đó, trong năm 2020, toàn TP phấn đấu sẽ có thêm 875 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Chí đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá chất lượng của các sản phẩm có lợi thế thuộc 6 nhóm lĩnh vực. Từ đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cấp các tiêu chí cho sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.