Hà Nội phát triển sản phẩm OCOP: Chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với phấn đấu hoàn thành mục tiêu đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP trong năm 2021, Hà Nội chủ trương không chạy theo số lượng, thay vào đó là chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.

Các địa phương tích cực vào cuộc
Những tháng cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các địa phương trên địa bàn Hà Nội tích cực bắt tay vào rà soát, thẩm định sơ bộ chất lượng nông sản, thực phẩm. Trên cơ sở đó, hoàn thiện trình hồ sơ đề nghị Hội đồng của TP tổ chức đánh giá, phân hạng, cấp sao. 
Tại huyện Đan Phượng, vừa qua, 18 sản phẩm của 8 chủ thể đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của TP thẩm định, cấp 3 sao cho 100% sản phẩm tham gia chương trình. Trong số này, Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý và Công ty CP Dược thảo Khang Thịnh là 2 đơn vị tích cực nhất, khi mỗi đơn vị có 4 sản phẩm được cấp sao.
Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, không chạy theo thành tích trong đánh giá, phân hạng. Ảnh: Trọng Tùng.
Tương tự tại huyện Ba Vì, vừa qua đã có 54 sản phẩm OCOP của 14 chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của TP tiến hành thẩm định các tiêu chí. Các sản phẩm đều được Tổ tư vấn đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng, thống nhất trình TP xem xét, cấp sao.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2020, địa phương đã có 47 sản phẩm được TP đánh giá, phân hạng OCOP. Hiệu quả kinh tế mang lại từ việc sản phẩm được cấp sao là rất tích cực. Chính vì vậy, việc có thêm 54 sản phẩm được TP xem xét, cấp sao sẽ tạo động lực khuyến khích các chủ thể tích cực sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện tiêu chí chất lượng sản phẩm tham gia dự thi Chương trình OCOP.
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Năm 2021, Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Cùng với 2 huyện Đan Phượng và Ba Vì, nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang tích cực rà soát, thẩm định hồ sơ để trình Hội đồng của TP xem xét, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc thực hiện mục tiêu của Chương trình OCOP gặp phải những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với sự quan tâm của TP, nỗ lực của các địa phương và sự chủ động, tích cực của các chủ thể, mục tiêu đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm OCOP trong năm 2021 là hoàn toàn có thể đạt được. 
“Bên cạnh cố gắng để bảo đảm đạt mục tiêu về số lượng, các thành viên Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP của TP cũng xác định phải làm việc nghiêm túc, bảo đảm tiêu chí chất lượng cho mỗi sản phẩm được phân hạng, cấp sao; tuyệt đối không chạy theo thành tích…” - ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Nhấn mạnh việc chuẩn hóa chất lượng thông qua chứng nhận OCOP sẽ giúp nâng cao giá trị cho các sản phẩm, ông Nguyễn Văn Chí đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để các tầng lớp Nhân dân, nhất là các chủ thể sản xuất, kinh doanh hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Từ đó, tích cực hoàn thiện sản phẩm, hưởng ứng tham gia, phấn đấu cùng TP hoàn thành mục tiêu Chương trình trong năm 2021, cũng như những năm tiếp theo.