Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nội dung Công văn số 3501/UBND-ĐT, ban hành ngày 1/8, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND, ngày 5/7/2018, của HĐND TP quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan căn cứ Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 5/7/2018 của HĐND TP trình UBND TP ban hành Quyết định mức hỗ trợ trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn Thành phố Hà Nội (thay thế các Quyết định: số 03/201l/QĐ-UBND ngày 25/01/2011, số 836/QĐ-UBND ngày 7/2/2014 và số 2877/QĐ-UBND ngày 7/2/2014).
Cân bằng lợi ích cho người dân quanh khu vực các bãi rác. Ảnh: Internet.
Giao các sở, ngành: TN&MT, Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính, Y tế, Thông tin và Truyền thông, KH&CN, Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo UBND TP (qua Sở TN&MT) để tổng hợp, báo cáo HĐND TP theo quy định.
Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2877/QĐ-UBND ngày 4/6/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường trong phạm vi bán kính từ trên 500m - 1.000m được quy định tại Quyết định số 836/QĐ-UBND ngày 7/2/2014.
Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng riêng cho khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn) và có hiệu lực đến hết năm 2016. Quyết định này sau đó đã được UBND TP cho phép gia hạn đến khi Quyết định mới có hiệu lực.
Trên thực tế, hiện TP còn có một số khu xử lý tập trung chất thải rắn khác ngoài khu Nam Sơn. Công tác quản lý, vận hành các khu xử lý chất thải tập trung của TP đang có xu hướng mở rộng vùng ảnh hưởng đến người dân và người lao động tại một số địa phương.
Do đó, việc ban hành quy định thống nhất mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội cho người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải trên địa bàn TP.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khoá XV, UBND TP tiếp tục trình HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nghị quyết đã được HĐND TP Hà Nội thông qua với tên chính thức: Quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn TP Hà Nội.
Nghị quyết có một số điều chỉnh quan trọng về phạm vi ảnh hưởng, và đối tưởng được hưởng hỗ trợ. Cụ thể, phạm vi được hưởng mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường của các đối tượng sẽ từ 0 - 500m đối với khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp quy mô nhỏ và vừa); từ 0 - 1.000m đối với khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp quy mô lớn và rất lớn, tính từ hàng rào khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn TP.
Đối tượng được hưởng hỗ trợ có nhà ở nằm trong phạm vi ảnh hưởng, hiện đang sinh sống ở khu vực thuộc phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường tính từ hàng rào khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trong phạm vi nêu trên.
Đối tượng có nhà nằm ngoài vùng ảnh hưởng môi trường nhưng có đất canh tác nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường, vẫn thường xuyên lao động, sản xuất nông, lâm nghiệp, đã được chính quyền địa phương xác nhận.
Đối tượng không đăng ký hộ khẩu thường trú, là cán bộ, công chức, viên chức hoặc học sinh, sinh viên, người lao động có họp đồng lao động ký với đơn vị, cơ quan hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng lao động nằm trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường tính từ hàng rào khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp, nằm trong danh sách đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội tại đơn vị, cơ quan sử dụng lao động nêu trên; hiện đang làm việc liên tục trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 tại các đơn vị, cơ quan này; đồng thời chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng do đơn vị sử dụng lao động chi trả theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 thì được hưởng hỗ trợ.
Mức hỗ trợ đối với các trường hợp làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng 100% mức hỗ trợ theo vùng tương ứng; làm việc dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức hỗ trợ theo vùng ảnh hưởng môi trường tương ứng.
Đối với các trường họp làm thêm giờ hoặc làm ca, mức hỗ trợ được tính tương ứng với số giờ làm thêm (đối với trường hợp làm thêm giờ) hoặc số giờ trong 1 ca (đối với trường họp làm theo ca) theo nguyên tắc trên.