Kế hoạch nêu rõ, trường hợp huy động khi tình huống cháy, sự cố, tai nạn cần phải huy động lực lượng, phương tiện nhanh chóng, kịp thời mà không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan công an, thì cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tại địa phương để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Thẩm quyền huy động gồm: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và chủ tịch UBND cấp xã được quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi quản lý. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý thì phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
Chủ tịch UBND cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý thì phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
Chủ tịch UBND Thành phố được quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi quản lý và lực lượng quân đội đóng ở địa phương (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện đó biết.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Huy động lực lượng, phương tiện tham gia phải căn cứ vào tình hình vụ cháy, sự cố, tai nạn đang xảy ra, cũng như khả năng chi viện về lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng, đơn vị phối hợp. UBND Thành phố yêu cầu, các tổ chức, cá nhân khi được cấp có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải khẩn trương tham gia, tổ chức thực hiện.