KTĐT - “Thường trực UBND và HĐND TP thấy cần thiết chưa trình đề án tại thời điểm này và cơ quan chức năng, chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án tốt hơn, khả thi hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Thịnh Thành cho biết, vào những phút cuối cùng trước phiên khai mạc HĐND TP, thành phố đã quyết định rút lại đề án tăng học phí khối các trường công lập, thay vì trình lên HĐND như dự kiến ban đầu.
Trao đổi với báo chí trong phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP sáng 13/7, ông Thành cho biết, Nghị định 49 của Chính phủ (về điều chỉnh mức thu học phí đối với các cơ sở mầm non và phổ thông công lập) có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri trên toàn địa bàn TP, qua việc lấy ý kiến của các tổ chức TP và mặt trận tổ quốc về dự thảo đề án tăng học phí của thành phố, các cơ quan thấy cần cân đối lại mức và thời điểm trình dự thảo đề án.
“Thường trực UBND và HĐND TP thấy cần thiết chưa trình đề án tại thời điểm này và cơ quan chức năng, chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án tốt hơn, khả thi hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Qua lấy ý kiến cho thấy, nhiều cử tri còn băn khoăn về mức thu nhập bình quân đầu người vùng ngoại thành do Cục Thống kê Hà Nội tính toán. Cụ thể, cử tri cho rằng, mức 1.040.000 đồng/người/tháng mà Cục thống kê Hà Nội đưa ra là cao, không phù hợp thực tiễn.
Trả lời báo chí về vấn đề cử tri nêu lên, ông Thành cho biết, thành phố tôn trọng ý kiến đó và Cục Thống kê Hà Nội cần kiểm tra lại cách tính sao cho khoa học, đúng thực tiễn các mức thu nhập.
Chánh Văn phòng UBND TP cũng cho biết thêm, dự thảo đề án này sẽ được đưa ra xem xét vào kỳ họp tiếp theo của HĐND TP. Có thể Hà Nội sẽ cân nhắc xem xét đề án trong một kỳ họp chuyên đề mà không nhất thiết phải chờ tới kỳ họp thường kỳ cuối năm.
Trước đó, trong buổi làm việc của ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TP sáng 8/7, các đại biểu đã đề nghị làm rõ căn cứ để xây dựng mức điều chỉnh học phí như đề án của thành phố. Cũng theo các đại biểu, mức tăng so với hiện tại khá cao, trong đó có những điểm thu gấp 4-5 lần. Cụ thể, THCS ở thành thị tăng từ 20.000 lên 100.00đ/tháng, THPT thành thị từ 30.000 lên 120.000đ/tháng.
Các đại biểu tán thành điều chỉnh học phí, nhưng chưa tán thành mức đề xuất và đề nghị tính toán làm sao để mức tăng thấp xuống. Cụ thể, nếu điều chỉnh, mức tăng tối đa không quá 1,5 đến 2 lần.