Nhiều chuyển biến tích cực
Tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), tình trạng trồng cây, dựng lều lán, xây lắp công trình tạm xâm phạm công trình kè Phú Gia xảy ra đã nhiều năm. Đáng chú ý khi các vi phạm liên tục gia tăng trong thời gian qua.
Trước tình hình trên, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo phường Phú Thượng và lực lượng chức năng của quận tổ chức tuyên truyền, ra quân giải toả công trình hàng rào, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu lấn chiếm đỉnh kè, mái kè Phú Gia. Đến nay, tuyến kè đã cơ bản thông tuyến.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn quận Tây Hồ có 115 trường hợp vi phạm về đê điều và hành lang thoát lũ sông Hồng. Đến nay, chính quyền địa phương đã xử lý được 84 trường hợp, còn lại là các vi phạm chưa được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để.
Nhiều năm qua, tình trạng xây dựng công trình kiên cố tại các ngõ khu tập thể F361 (phường Yên Phụ) cũng diễn biến rất phức tạp. Chính quyền địa phương đã tổng hợp, báo cáo, trình UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo phường Yên Phụ tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục 5 hộ gia đình tự tháo dỡ công trình vi phạm. Kết quả đến nay, đã có hộ gia đình bà Đỗ Thị Thuý tự giác tháo dỡ toàn bộ hạng mục xây dựng trái phép.
Bên cạnh vi phạm trật tự xây dựng, tình trạng đổ trộm đất, phế thải, dựng hàng rào tôn, lắp cổng sắt… trên địa bàn các phường thuộc quận Tây Hồ cũng là vấn đề nóng; đặc biệt là tại hai phường Nhật Tân và Tứ Liên. Khối lượng phế thải ghi nhận lên tới hàng ngàn mét khối.
Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, UBND quận đã chỉ đạo hai phường tăng cường kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều chủ thể. Gần 6.000m3 đất và phế thải xây dựng đã được xử lý bốc xúc, thanh thải, vận chuyển đến tập kết đúng nơi quy định. 1.282m dài hàng rào tôn, 13 cổng sắt cũng đã bị chính quyền địa phương tháo dỡ…
Xử lý nghiêm cán bộ thiếu trách nhiệm
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, thực tế việc xử lý các vi phạm ven bãi sông Hồng là không dễ dàng. Việc kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm trước đây khó khăn vì các đối tượng thường tổ chức rào tôn chắn, bảo vệ nghiêm ngặt; che đậy bằng những hành vi tinh vi.
“Các phường cũng thực hiện nhiều biện pháp, thậm chí là đào hào và cắm cọc bê tông ngăn xe ô tô chở phế thải, nhưng được mấy hôm thì lại bị phá dỡ. Có đối tượng đổ trộm phế thải rồi, còn đổ đất nông nghiệp lên để che đậy nên nhiều trường hợp khó phát hiện…” - ông Tịnh cho hay.
Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn đê điều, hành lang thoát lũ ven tuyến sông Hồng. Chính vì vậy, đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, tiến tới xử lý triệt để các vi phạm. Trong đó có việc lập các chốt trực và tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác; đổ các trụ cột bê tông tại lối vào các khu vực thường xuyên xảy ra vi phạm.
Tại buổi kiểm tra thực địa mới đây, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến đánh giá cao sự vào cuộc và kết quả giải toả vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ thời gian gần đây. Dù chính quyền đã vào cuộc nhưng do vi phạm xảy ra nhiều và kéo dài nhiều năm nên tình hình vi phạm trên thực tế vẫn diễn biến phức tạp; thậm chí vi phạm cũ xử lý chưa hết đã phát sinh thêm vi phạm mới.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến đề nghị trong thời gian tới, UBND quận cần tập trung thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ sông Hồng. Trong đó, tăng cường việc quán triệt đến Chủ tịch UBND các phường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; quản lý và xử lý nghiêm vi phạm, tuyệt đối không để phát sinh vi phạm mới, đặc biệt là khi mùa mưa bão 2023 đang tới gần.
“Đối với nhiệm vụ chống vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ sông Hồng, cán bộ địa bàn không xử lý được thì quận sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ…” - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh.