Sáng 27/12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành, kết nối từ điểm cầu chính tại trụ sở Bộ Nội vụ (Thủ đô Hà Nội) tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương.
Điểm cầu thành phố Hà Nội đặt tại trụ sở UBND thành phố có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo các sở, ban, ngành và cán bộ ngành Nội vụ thành phố.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP, Thành phố (TP) đã xây dựng, trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó có nhiều nội dung tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP, thực hiện phân cấp từ TP xuống quận, huyện, thị xã, từ quận, huyện, thị xã xuống xã, phường, thị trấn; hoàn thành toàn bộ xây dựng quy chế làm việc, quy trình nội bộ giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại từng cơ quan, đơn vị, bộ phận theo mô hình khung quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO hiện hành.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tham luận tại điểm cầu Hà Nội |
Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp liên thông giải quyết TTHC tại một số lĩnh vực trọng điểm, rút ngắn thời gian giải quyết; rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời giản giải quyết TTHC, đơn giản hóa thành phần hồ sơ và ủy quyền một số sở, ngành thực hiện một số TTHC thuộc thẩm quyền UBND TP. Giai đoạn 2016-2019, TP thực hiện đơn giản hóa với 261 TTHC, tiết kiệm 201,5 tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC.
Nhất là, các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, DN đều được chú trọng để giảm tối đa thời gian và chi phí. Dẫn chứng là trong lĩnh vực thuế, cấp mã số DN tự động cho các DN thành lập mới không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng đạt 98,11%; đã có 95% đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử và tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt khoảng 95%; đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, cấp phép đầu tư qua mạng đạt 73%; trao đổi thông tin với DN 100% qua thư điện tử… Trong lĩnh vực BHXH, số đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử chiếm trên 97% số đơn vị tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Thực hiện liên thông trong tiếp cận điện năng, với lưới điện trung áp với công trình nhỏ hơn 5 tuyến là 11 ngày, với công trình từ 5 tuyến trở lên là 16 ngày (năm 2015 là 40-48 ngày). Lĩnh vực luôn được coi là rất khó ở Hà Nội như tiếp cận đất đai, cấp GCN quyền sử dụng đất đã có nhiều cải cách thuận lợi cho DN và người dân.
Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MCLT) tại các cơ quan hành chính đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng, trước hạn toàn TP đạt trên 98,81%. TP đã áp dụng cơ chế một cửa, MCLT trong cung ứng dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công tại các đơn vị sự nghiệp, DN được giao cung ứng dịch vụ công (DVC) như nước sạch, trợ cấp thất nghiệp, dịch vụ việc làm, tang lễ, y tế, giáo dục, xây dựng, quy hoạch…
TP cũng đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) toàn TP theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, đảm bảo ổn định trong quản lý, điều hành, được T.Ư ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời, đã hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính nhà nước và các ĐVSNCL thuộc TP; đến nay đã thực hiện tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá theo vị trí việc làm, bước đầu mang lại hiệu quả; hoàn thành đào tạo, phân công 1.000 công chức nguồn về làm việc tại các xã, phường, thị trấn nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực có chất lượng cho chính quyền cơ sở. Ngoài ra, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức được TP thực hiện nhiều đổi mới, như việc đánh giá hàng tháng với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị và giám đốc các sở chuyên ngành chấm điểm trưởng các phòng chuyên môn cấp sở và UBND cấp huyện, chủ tịch cấp huyện chấm điểm chủ tịch cấp xã…
Đáng chú ý, TP đã tích cực triển khai đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tổng số TTHC đã triển khai DVCTT mức độ 3, 4 là 1.448/1.818 TTHC, đạt 81%. TP đang tích cực triển khai thí điểm việc kết nối, tích hợp với Cổng DVC quốc gia theo lộ trình của Chính phủ, hướng tới cung cấp DVC không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Song song đó, TP đã triển khai tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các DVC tại một số tổ dân phố, khu dân cư; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 cho các em học sinh khối THCS nhằm thông qua các em tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng dân cư, tạo tiền đề xây dựng “công dân điện tử” và “TP thông minh”. TP cũng triển khai cấp đăng ký mô tô điện, xe máy điện tại các trường học, khu đô thị, khu dân cư tạo thuận lợi cho người dân; bố trí công chức và cộng tác viên hướng dẫn, tư vấn miễn phí cho tổ chức và công dân về DVCTT mức độ 3, 4 và thủ tục gửi hồ sơ, nhận kết quả qua đường bưu điện tại bộ phận một cửa…
Về cải cách tài chính công, giai đoạn 2016-2020, TP đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán T.Ư giao và trong điều hành ngân sách là 13.031 tỷ đồng. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách của TP đều thấp hơn tỷ trọng chi thường xuyên theo dự toán T.Ư giao với mức bình quân khoảng 3%/năm, từ mức 55,5% năm 2016 còn 50,7% năm 2019 và 51,2% năm 2020.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC gắn với triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và thực hiện Chủ đề công tác năm 2020 của TP. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh CCHC, tập trung triển khai các nội dung liên quan đến Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành thắng lợi, về đích sớm các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2016-2020 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh.
Cùng với đó, TP Hà Nội đề nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị quyết liên quan triển khai Đề án thí điểm xây dựng chính quyền đô thị theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội; ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, các Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ. Chính phủ cũng cần kịp thời ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử và TP thông minh.
Đồng thời, TP đề nghị các bộ, ngành rà soát, tham mưu trình Quốc hội sớm ban hành Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị để giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa TTHC trong hoạt động đầu tư xây dựng...