Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẵn sàng mọi điều kiện cho năm học mới

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 2,3 triệu học sinh Thủ đô sắp bước vào năm học 2024 - 2025. Để chuẩn bị cho năm học mới và chương trình mới, các trường học đã hoàn tất công tác chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Cơ sở vật chất khang trang

Năm học 2024 - 2025 là một năm học rất đặc biệt khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện đối với tất cả các khối lớp. Đây cũng là năm chuẩn bị tổ chức đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2020 - 2025. Ngay khi kết thúc năm học 2023 - 2024, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị quận, huyện tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.

Học sinh Hà Nội hào hứng đón chào năm học mới. Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh Hà Nội hào hứng đón chào năm học mới. Ảnh: Phạm Hùng

Những ngày cuối tháng 8/2024, phụ huynh học sinh, các đơn vị bộ đội kết nghĩa và đại diện các tổ chức đoàn thể xã Phù Linh đã có mặt tại Trường Tiểu học Phù Linh, huyện Sóc Sơn để lau dọn, vệ sinh môi trường, phát quang cây cỏ, tạo cảnh quan, môi trường sư phạm sạch đẹp để sẵn sàng đón học sinh đến trường.

Nhà giáo Chu Văn Kiểm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Linh vui mừng cho biết: “Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Phù Linh có 1.000 học sinh, trong đó đón chào 160 học sinh lớp 1. Được sự quan tâm của UBND huyện Sóc Sơn, Trường Tiểu học Phù Linh được đầu tư nguồn kinh phí hơn 3 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp, bổ sung các hạng mục: nhà thể chất, nhà vệ sinh, tường bao, hệ thống chiếu sáng. Cùng với đó, Trường được Tập đoàn Canon tài trợ một công trình Thư viện xanh với số tiền 350 triệu đồng. Thầy cô, học sinh, phụ huynh rất hào hứng với diện mạo mới của nhà trường”.

Với nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, những ngày qua, ban giám hiệu cùng các thầy cô giáo tích cực thực hiện những nội dung chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025. Vì là ngôi trường có tuổi đời hơn 100 năm nên công tác tu sửa cơ sở vật chất phải thực hiện thận trọng, đúng quy định và được triển khai từ rất sớm để bảo đảm hoàn thành trước khi năm học mới bắt đầu.

Chia sẻ về công tác tu sửa cơ sở vật chất, xây mới trường lớp, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, năm học này, quận Hà Đông có thêm 1 trường THCS ở phường Hà Cầu và thêm 7 đơn nguyên tại các trường học ở những phường đông dân cư như Dương Nội, Biên Giang, Kiến Hưng. UBND quận cũng đang triển khai các giải pháp tìm kiếm thêm các quỹ đất ngoài quy hoạch để xây dựng trường học, ưu tiên chuyển đổi đất cho giáo dục.

Còn với quận Hoàng Mai, hiện, Nhân dân, học sinh trên địa bàn rất phấn khởi khi tới đây có đến 4 ngôi trường mới đi vào hoạt động; trong đó, riêng tại phường Hoàng Liệt - địa bàn có mật độ cư dân cư cao nhất quận, có thêm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THPT.

Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra yêu cầu cao trong công tác đổi mới của các nhà trường và đội ngũ giáo viên. Trong thời gian nghỉ Hè và đặc biệt, trước thềm năm học mới, chương trình tập huấn diễn ra càng nhiều hơn, đòi hỏi giáo viên phải năng động, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025, các trường tiểu học tại Hà Nội thực hiện thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh. Để thầy cô làm quen và triển khai thực hiện tốt nội dung này, sở đã tổ chức tập huấn cho hơn 300 cán bộ, giáo viên đến từ 76 trường tiểu học trên địa bàn TP. Bằng sự hướng dẫn bài bản cả về lý thuyết và thực hành, các chuyên gia đã giúp nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục kỹ năng công dân số trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học; đồng thời thống nhất nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức ở các nhà trường.

Sau khi thực hiện thí điểm thành công học bạ số cấp tiểu học, từ năm học 2024 - 2025, tất cả trường phổ thông tại Hà Nội cũng triển khai học bạ số. Đây là bước đi cần thiết, hợp lý để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Với tinh thần đó, Hiệu trường Trường THPT Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: nhà trường đã chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết để tiếp nhận và triển khai học bạ số một cách hiệu quả nhất, trong đó có việc đào tạo đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh nâng cao kiến thức chuyên môn, tập huấn sách giáo khoa, còn có các đợt tập huấn về Dự án Trường học hạnh phúc; nghệ thuật giao tiếp sư phạm, công tác chủ nhiệm… để cung cấp kiến thức, định hướng phương pháp cho giáo viên; qua đó cũng gợi mở cho thầy cô nhiều kỹ năng mới, hữu ích để có thể áp dụng trong công tác dạy học, giao tiếp với học sinh.

Đến thời điểm này, các nhà trường đã họp hội đồng sư phạm; các tổ nhóm chuyên môn cũng chuẩn bị chương trình, kế hoạch dự kiến sẽ triển khai trong năm học tới, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới giáo dục.

“Nhà trường đã lập kế hoạch năm học, phân công giáo viên chất lượng dạy khối 1 và khối 5; đồng thời tuyên truyền cho học sinh và gia đình hiểu được về các mạch kiến thức và yêu cầu của chương trình mới”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Linh, huyện Sóc Sơn Chu Văn Kiểm chia sẻ.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, để chuẩn bị tốt các nội dung chuẩn bị đón năm học 2024 - 2025, nhất là với lớp 9 và lớp 12, ngành giáo dục Hà Nội tập trung chuẩn bị tốt mọi điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT; đồng thời sớm công bố ma trận đề thi, định dạng cấu trúc và đề thi tham khảo kỳ thi lớp 10 THPT 2025 - 2026.

 

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 kịp thời, thiết thực, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập của địa phương theo thẩm quyền; linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là một số môn học như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ để thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Trong năm học 2024 - 2025, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh với hơn 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học. Trước thực tế số học sinh toàn TP mỗi năm tăng từ 40.000 - 60.000 em, với mục tiêu không để học sinh nào thiệt thòi, ngay khi kết thúc năm học 2023 - 2024, chính quyền các cấp, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có những giải pháp kịp thời, bảo đảm đủ chỗ học cho mọi học sinh.