KTĐT - Trong phiên họp sáng 17/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã nhắc nhở Tổng cục Thủy lợi phải phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội để có các biện pháp ứng cứu khi xảy ra úng ngập.
“Cái này khả năng là nhãn tiền rồi” – Thứ trưởng Tám nói về nguy cơ ngâp lụt của Thủ đô, qua đó, thúc giục các cơ quan chức năng phải nhanh chóng có các phương án đối phó với mưa, bão.
Trước đó, tại phiên họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương vào về phòng chống cơn bão số 1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nghiêm khắc yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra lại hệ thống tiêu thoát nước đã không đảm bảo chức năng trong đợt mưa ngày 13/7 vừa qua.
“Chỉ lượng mưa khoảng 150mml như ngày 13/7 vừa qua mà ngập khắp nơi là không ổn. Khi bão vào, lượng mưa lên đến hàng trăm ml Hà Nội xoay trở ra sao. Còn giải thích do quá trình đô thị hóa, đang xây dựng nhiều công trình…dẫn đến bị tắc, tiêu nước chậm thì nói vào thời điểm nào cũng đúng! Hà Nội chưa đánh giá đúng nguyên ngân gây ngập” - Phó Thủ tướng nói.
Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Công ty Thoát mước Hà Nội đã tiến hành nạo vét các kênh mương để khai thông dòng chảy thoát nước trong thành phố, có kế hoạch ứng cứu kịp thời để chống ngập, đảm bảo mực nước trên hệ thống luôn thấp, dù chưa mưa nhưng trạm bơm Yên Sở và trạm bơm cục bộ tại các hồ lớn trong Hà Nội vẫn hoạt động hết công suất để đưa ngay mực nước về vị trí thấp nhất theo quy định.
Về phương án chống úng ngập khi cơn bão số 1 mạnh gần tới cấp 12 đang đổ bộ vào VN, công ty đã báo cáo UBND TP.Hà Nội về kế hoạch chống ngập và đã luôn luôn chủ động trong cả mùa mưa cũng như đều có kế hoạch trực tiếp cho từng thời điểm cụ thể.
Theo đó, Cty đã và đang đảm bảo mực nước trên hệ thống luôn thấp, trạm bơm Yên Sở và trạm bơm cục bộ tại các hồ lớn trong HN vẫn đang hoạt động hết công suất để đưa ngay mực nước về vị trí thấp nhất theo qui định. Rút kinh nghiệm của trận mưa lịch sử năm 2008, Cty đã chăng dây và biển báo tại một số ổ gà, hố ga trên đường trong khi mưa để người dân có thể tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc.
Tuy nhiên, những điểm ngập úng nặng với lượng mưa từ 120mm đến 150mm, 200mm là buộc phải chấp nhận những hiện tượng ngập úng và chỉ có cách là phối hợp với các cơ quan khác để phân luồng giao thông cho người đi đường đồng thời có những biển báo để các phương tiện có thể hiểu rõ nên đi vào hay không, từ đó sẽ tránh bị sa lầy.
Đặc biệt, có 25 điểm úng ngập “nóng” ở Hà Nội người dân cần phải chú ý khi cơn bão số 1 đổ bộ vào tới nơi, tránh rơi vào tình trạng “xe và người cùng bơi trên dòng nước”.
Cụ thể: Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, ga Hà Nội, Ngã 5 Bà Triệu, Hai Bà Trưng - Hàng Bài, Trường Chinh, Nguyễn Khuyến - Nguyễn Du, bê tông Thịnh Liệt, Thái Hà, Cát Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng - Hồ Đắc Di - Tây Sơn, Chùa Bộc, Tôn Thất Tùng, Láng Hạ, Thái Thịnh. Định Công, Trương Định, Pháp Vân, Giải Phóng, Ngọc Hồi, Nguyễn Đức Cảnh, Đại La, Minh Khai - Thanh Nhàn, Pháp Vân-Tam Chinh. Nguyễn Văn Cừ, Ngã ba cầu Chui, chân cầu Vĩnh Tuy, đường dẫn lên cầu Thanh Trì. Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương. Đội Cấn – Liễu Giai.
Sẽ cắt điện khu vực bị ngập do mưa bão
Ông Trần Đức Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, Tổng công ty đã báo cáo với UBND TP Hà Nội về việc sẽ cắt điện khu vực bị ngập do mưa bão gây ra.
Theo đó, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện đã tiến hành kiểm tra chất lượng thiết bị điện, đường dây điện cao áp , hạ áp và hệ thống tiếp địa an toàn, tiếp địa chống sét trên lưới điện, kiểm tra phát quang hành lang tuyến, tuyệt đối không để cây cối va quệt hoặc đổ vào đường dây điện cao, hạ áp và trạm biến áp khi có giông, bão.
EVN Hà Nội cũng phát tờ rơi hướng dẫn cách xử lý hệ thống điện trong nhà khi mưa bão xảy ra như tuyệt đối không nên tiếp xúc với thiết bị có điện khi nền, tường nhà bị ngấm nước. Các gia đình nên tự cắt điện khi nhà có nguy cơ bị ngập nước.
Được biết, trận mưa lớn ngày 13/7 vừa qua tại Hà Nội không chỉ gây ngập nhiều tuyến đường, ngõ xóm mà còn gây chết người do bị điện giật khi trong nhà ngập nước làm rò rỉ điện.