Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ có “khu đô thị mới” cho người cõi âm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc quy hoạch nghĩa trang tập trung tại huyện Sóc Sơn sẽ bảo đảm cảnh quan môi trường, góp phần bảo vệ rừng phòng hộ, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

KTĐT - Việc quy hoạch nghĩa trang tập trung tại huyện Sóc Sơn sẽ bảo đảm cảnh quan môi trường, góp phần bảo vệ rừng phòng hộ, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chưa bao giờ việc quy hoạch các nghĩa trang ở Hà Nội lại trở nên bức thiết như hiện nay, đặc biệt sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung tại huyện Sóc Sơn là chủ trương lớn của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Việc quy hoạch nghĩa trang tập trung tại huyện Sóc Sơn sẽ bảo đảm cảnh quan môi trường, góp phần bảo vệ rừng phòng hộ, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đứng ở ban công, nhìn ra... nghĩa địa

Sau đợt mở rộng địa giới hành chính (tháng 8/2008), Thủ đô Hà Nội có diện tích gần 3.325km2, dân số hơn 6,2 triệu người và nằm trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Các nghĩa địa cũ của Hà Nội đông đúc, với việc chôn cất người đã khuất đã bộc lộ nhiều nhược điểm, tác động không tốt tới môi trường và cảnh quan.

Không phải chỉ đến khi thành phố công bố đóng cửa nghĩa trang Văn Điển vào tháng 7/2010 tới, việc chôn cất, cải táng mồ mả cho người đã khuất trên địa bàn Thủ đô mới trở nên “nóng bỏng”.

Sự gia tăng nhanh chóng về dân số, quỹ đất hạn hẹp, thiếu một quy hoạch tổng thể cho việc xây dựng nghĩa trang trong nhiều năm qua - những điều đó đã khiến việc “sống, chết” của một thành phố hơn 6,2 triệu dân trở thành “chuyện dài nhiều tập”.

Dù thành phố Hà Nội đang gấp rút cho xây dựng nhiều khu nghĩa trang (trong đó có những nghĩa trang được đánh giá là lớn nhất khu vực Đông Nam Á như Yên Kỳ), nhưng trong vài năm tới, những bất cập trên không dễ gì giải quyết được.

Nhiều nơi ở Hà Nội, những người sống phải hằng ngày cận kề với… người đã khuất. Sáng mở cửa ra khỏi nhà gặp… mồ mả; tối trở về nhà, đứng trên ban công nhìn ra vẫn là nấm mồ.

Không ai thích thú gì cảnh này, nhưng thời buổi đô thị hóa, đất quý hơn vàng, nhiều người đành phải ngậm ngùi. Đã có những nơi ở Hà Nội được người dân gọi bằng cái tên “xóm nghĩa địa”.

Xóm nghĩa địa xác xơ, phảng phất bầu không khí rờn rợn đến khó chịu, mà theo người dân sống ở đây cho rằng đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Nơi vĩnh hằng cho những người đã khuất

Theo quy hoạch, nghĩa trang Sóc Sơn là một loại hình nghĩa trang mới, mang tính chất công viên xanh. Tổng thể khu nghĩa trang là một quần thể kiến trúc tâm linh thông qua ngôn ngữ tổ chức không gian với chủ thể là các khu mộ nằm phần trong không gian xanh tĩnh lặng, vĩnh hằng.

Tỷ lệ cây xanh, mặt nước chiếm một phần quan trọng trong tổng thể khu nghĩa trang và vùng đệm. Mỗi ngôi mộ, công trình kiến trúc, đường dạo… là một thành tố trong tổng thể khu nghĩa trang công viên.

Đây là nghĩa trang nhân dân sinh thái, phục vụ nhu cầu của Thủ đô mở rộng và vùng phụ cận. Với quy mô nghiên cứu khoảng 50-100 ha (giai đoạn 1), đây sẽ là nơi yên nghỉ vĩnh hằng phù hợp với tín ngưỡng, tâm linh của người Việt, lại đảm bảo được các yếu tố khoa học hiện đại về công nghệ an táng, môi trường và các tiêu chí về phát triển bền vững của quy hoạch đô thị mà xã hội đang hướng tới.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển công nghệ Hoa Sen phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng của thành phố đã xác định diện tích, vị trí, ranh giới, phạm vi nghiên cứu, thực hiện việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng và đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang Thiên Đường Sóc Sơn (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn).

Công viên có diện tích 50ha (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, bao gồm các khu vực chức năng chính là các khu cát táng (gồm nghĩa trang an táng người có công với nước, nghĩa trang người Hoa, nghĩa trang Phật giáo, nghĩa trang Công giáo, nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang cho người vô gia cư và các thành phần xã hội khác); khu hỏa táng (gồm đài hóa thân, nhà lưu tro, khu địa táng tro hài cốt).

Công viên này còn có hệ thống các công trình dịch vụ (gồm các công trình dịch vụ phục vụ tang lễ, thăm viếng; các công trình dịch vụ phục vụ xây mộ, trồng hoa, cây xanh công viên); hệ thống các công trình tâm linh (khu vườn tâm linh, chùa Phật giáo, các điểm tâm linh thuộc các nghĩa trang thành phần); hệ thống cây xanh công viên, vườn hoa, lâm viên, hồ nước, kiến trúc cảnh quan và diện cây xanh cách ly; hệ thống giao thông liên hoàn của công viên nghĩa trang và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật…

Nước rỉ của nghĩa trang sau khi được thu gom sẽ được xử lý cùng với nước thải sinh hoạt phát sinh trong quá trình nghĩa trang hoạt động, được xử lý bằng phương pháp sinh học nhân tạo và sinh học tự nhiên bảo đảm môi trường.

Công viên xanh của người đang sống

Trên quan điểm nghiên cứu là công viên nghĩa trang sinh thái, Công viên nghĩa trang Thiên Đường Sóc Sơn sẽ áp dụng các loại hình an táng không ảnh hưởng tới môi trường.

Các khu mộ sẽ được tạo thành những khu nhỏ, được bao bọc bằng hệ thống cây xanh, mặt nước. Những ngôi mộ không tiếp xúc trực tiếp với các trục đường chính và đường liên khu. Từ các đường chính này sẽ được tiếp cận những ngôi mộ bằng các đường nhánh, đi bộ, bên trong là không gian cảnh quan chung cho mỗi khu mộ.

Vào trong khu nghĩa trang, mọi người sẽ có cảm giác như một công viên với rất nhiều tầng bậc cây xanh cảnh quan.

Địa thế tự nhiên tạo cơ cấu bố cục công viên nghĩa trang thành một tổng thể rõ nét. Các không gian và chức năng khu mộ được bố trí liên kết chặt chẽ với nhau. Mỗi khu vực nghĩa trang thành phần gắn với khu tâm linh, có hệ thống dịch vụ, bãi đỗ xe riêng và được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông liên hoàn. Khu vực trung tâm được bố trí trang trọng, có quảng trường rộng và nhiều cây xanh.

Các nghĩa trang thành phần (nghĩa trang theo tín ngưỡng) có cảnh quan đẹp và không ảnh hưởng đến môi trường được bố trí quanh khu vực trung tâm.

Đại lộ Vĩnh Hằng là tuyến đường trung tâm nghĩa trang. Từ cổng nghĩa trang vào là các tuyến đường liên thông thuận tiện cho nhu cầu lưu thông tới các nghĩa trang thành phần, tránh không giao cắt qua khu vực trung tâm.

Ngoài các khu chức năng an táng, tâm linh, công viên nghĩa trang còn bao bọc bởi các khu dịch vụ: khu ban quản trang và đội xây dựng, khu dịch vụ y tế, hành chính, nghỉ của khách thăm viếng, khu nhà ở công vụ của công nhân viên nghĩa trang. Trong nghĩa trang còn có chùa, đền, hồ nước, các tượng đài…

Với lợi thế nằm ở vị trí có 116ha rừng phòng hộ của huyện Sóc Sơn, Công viên nghĩa trang Thiên Đường sẽ là một công viên xanh, sạch, đẹp.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với diện tích lập dự án không làm giảm nhiều tác dụng phòng hộ bảo vệ môi trường của toàn bộ rừng phòng hộ Sóc Sơn.

Mặt khác, nó sẽ được bù đắp khi triển khai dự án cải tạo, nâng cấp và làm giàu rừng đã được Ủy ban Nhân dân thành phố quy hoạch.

Theo tiến độ dự kiến, đến hết quý 3/2011, giai đoạn 1 của Công viên nghĩa trang Thiên Đường Sóc Sơn sẽ khánh thành. Và một “khu đô thị mới” của những người đã khuất, một công viên xanh của những người đang sống sẽ được đưa vào hoạt động, góp phần phục vụ nhân dân được tốt hơn và từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của thành phố Hà Nội trong việc quy hoạch các nghĩa trang trên địa bàn.