Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2019 - 2025, TP đặt mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh; chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan diện rộng; ngăn chặn không để các nhánh, các chủng vi rút mới nguy hiểm xâm nhiễm vào và lây lan trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn gia cầm thuộc diện tiêm; xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu hoặc không để phát sinh các ca bệnh cúm gia cầm ở người do nhiễm các chủng vi rút cúm nguy hiểm.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, TP sẽ chú trọng tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, nguy cơ dịch tái phát trên diện rộng, nguy cơ xâm nhiễm của các chủng vi rút cúm nguy hiểm vào Việt Nam và Hà Nội theo quy định. Sử dụng giống gia cầm rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh. Vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh cúm gia cầm, giảm thiểu các hành vi làm phát sinh và lây lan dịch bệnh…
Cùng với giám sát dịch bệnh, TP tập trung cho tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. Đối với huyện nguy cơ cao, ngân sách TP bố trí kinh phí mua vắc xin dự phòng, chi phí tiêm phòng bao vây ổ dịch cúm gia cầm và kinh phí tiêm phòng vắc xin định kỳ cho 100% tổng đàn gia cầm sinh sản (2 đợt/năm) nuôi tại các gia trại và các hộ chăn nuôi. Tùy theo tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, giao Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất kinh phí tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.
TP cũng sẽ chỉ đạo tập trung cho công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; quản lý, kiểm soát chợ buôn bán gia cầm sống; kiểm soát giết mổ gia cầm; kiểm soát ấp nở gia cầm; vệ sinh tiêu độc, khử trùng; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn bệnh cúm gia cầm…