Hà Nội sẽ không khan hàng - sốt giá dịp Tết Nguyên đán

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành công thương Hà Nội đã chủ động chuẩn bị hàng hóa, nhất là mặt hàng thịt lợn, qua đó không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Hàng hóa dồi dào
Sở Công Thương Hà Nội dự báo, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhu cầu mua sắm của người dân tăng từ 3 - 20% đối với các mặt hàng gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau, củ, quả... Trong khi đó, khả năng sản xuất của DN Hà Nội chỉ đáp ứng 50 - 65% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Để khắc phục tình trạng này, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2020.
“Tính đến hết tháng 12/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ Nhân dân Thủ đô. Các DN đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng từ 7 - 22% so với Tết 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng” - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin.
 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Vinmart ở Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Công Thương về công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức, Phó tổng Giám đốc Thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm nêu rõ: Các đơn vị trực thuộc và công ty thành viên Hapro đã chuẩn bị các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết là các sản phẩm mang thương hiệu Hapro và các đặc sản vùng miền của Sơn La, Yên Bái, Hà Giang…
“Ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố như gạo tẻ, thịt lợn, trứng gia cầm, thủy, hải sản tươi, bánh mứt kẹo… trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như đồ khô, các loại quả, hạt khô, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm quần áo. Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ đồng” - bà Đỗ Tuệ Tâm cho hay.

Trong khi đó, theo Giám đốc Vùng Hà Nội (Tập đoàn Central Group) Lê Mạnh Phong, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của siêu thị Big C trên địa bàn Hà Nội tăng 30% so với kế hoạch Tết 2021. Trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống. Giám đốc Vận hành VinMart toàn quốc Nguyễn Ngọc Dung thông tin: Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ cũng chủ động nhập khẩu một số loại hàng hóa cao cấp phù hợp với nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Tuy nhiên, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” nên tỷ trọng hàng Việt vẫn chiếm trên 90% tỷ lệ hàng hóa dự trữ.

Không để thiếu thịt lợn

Sau một thời gian hạ nhiệt, khoảng 2 tuần trở lại đây, giá thịt lợn bắt đầu có xu hướng tăng gần 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 12/2020. Dự báo trong những ngày cận Tết, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, thì giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy việc dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong dịp dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đang là vấn đề cần thiết.

Thông tin từ hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các siêu thị bên cạnh việc khai thác nguồn cung thịt lợn từ trong nước cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Đại diện Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam khu vực miền Bắc cho biết: Năm 2020, lượng thịt lợn đáp ứng yêu cầu của các siêu thị trong dịp Tết Nguyên đán là 550 tấn và thịt gà là 800 tấn, các thực phẩm chế biến... trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021, Công ty CP tăng khoảng 30% (khoảng 420 tỷ đồng) so với năm 2020.
Bên cạnh việc cung ứng cho hệ thống bán lẻ, Công ty CP đang triển khai chuỗi thực phẩm 3F feed-farm-food (thức ăn chăn nuôi - trang trại - thực phẩm giàu protein động vật), do đó lượng thực phẩm từ farm cung ứng cho thị trường cũng rất lớn. “Nếu có những yêu cầu thêm từ các hệ thống siêu thị đối với hàng tươi sống thì Công ty C.P hoàn toàn đáp ứng” - đại diện Công ty CP khẳng định.
Liên quan đến mặt hàng thịt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho hay: Để đảm bảo cân bằng nguồn cung mặt hàng thịt, bên cạnh việc khai thác tại thị trường trong nước, DN đã chủ động nhập khẩu từ Mỹ một lượng khá lớn các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà, riêng tháng 12/2020, DN đã nhập khẩu 3 container thịt lợn. Còn theo đại diện Công ty TNHH Vincommerce, công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ tháng 9/2020 và đến nay hầu hết hàng hóa đã về dự trữ tại các kho hàng của doanh nghiệp. Riêng đối với mặt hàng thịt bò, DN đã nhập khẩu 3 container mặt hàng này, 40 tấn thịt lợn và 15 tấn thịt gà. Là đơn vị sản xuất thịt lợn tươi sống, mỗi tháng cung cấp cho Hà Nội khoảng 300 tấn thịt lợn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm chế biến Nam Hà Nội Võ Việt Dũng cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, DN sẽ tăng số lượng gấp 1,5 lần so với các tháng bình thường.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT về dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Trần Quốc Toản thông tin, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Trong đó, mặt hàng thịt lợn tiếp tục đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng số đàn lợn tháng 11 tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt 3.459.300 tấn, tăng 3,9% so năm 2019... Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt, cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung - cầu không bị thiếu hụt thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hiện nhu cầu tiêu dùng thịt lợn một tháng của người dân Hà Nội khoảng 18.594 tấn, hiện nay sản lượng thịt lợn xuất chuồng trên địa bàn thành phố đạt khoảng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu. Để bảo đảm nguồn cung còn thiếu, Hà Nội đã liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp khoảng 1.094 tấn/tháng (chiếm 5,8%).

Ở khâu phân phối, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, cho biết: Mặc dù nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng cao, nhưng hiện nguồn hàng đã được các DN chủ động lên kế hoạch cùng với các chương trình chuẩn bị Tết khá chu đáo nên sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là mặt hàng thịt lợn.

Đẩy mạnh bán hàng online và đưa hàng về nông thôn

Thực tế cho thấy do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang online, vì vậy nhiều DN bán lẻ đang đẩy mạnh triển khai hình thức bán hàng trực tuyến trong dịp Tết năm nay. Theo Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn: Để kích cầu sức mua của người tiêu dùng, Hapro đã phối hợp với Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) đẩy mạnh triển khai hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite… với chính sách giao hàng tại nhà, tận nơi và với hóa đơn mua hàng trên 500.000 đồng sẽ được miễn phí vận chuyển trong phạm vi 3km.

Tương tự, siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh triển khai mua sắm online, wesbite, ngoài ra, những khách hàng thân thiết của hệ thống này cũng có thể sử dụng điện thoại để gọi đến các siêu thị gần nhất đặt hàng và được giao miễn phí tại nhà. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, từ đầu tháng 3 đến nay, kênh mua sắm online hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường. Hệ thống siêu thị Big C triển khai dịch vụ "Gọi điện đặt hàng", giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên.

Nhằm đưa hàng Tết đến với người dân các huyện ngoại thành, xã miền núi, khu công nghiệp, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 12 phiên chợ Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và người lao động. Bên cạnh đó, DN bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ, và 11.382 trang wesite, sàn thương mại điện tử và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm. Đánh giá về việc tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, đây là hoạt động góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường.

Việc ngành công thương và các DN bán lẻ TP Hà Nội tích cực dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 Hà Nội bảo đảm không để thiếu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, nhất là trong bối cảnh mặt hàng thịt lợn đang có nhiều biến động.

Một số mặt hàng dự trữ để phục vụ người dân Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 gồm: Gạo 292.500 tấn, thịt lợn 56.700 tấn, thịt gà 18.900 tấn, thịt bò hơn 18.459 tấn, trứng gia cầm 396 triệu quả, rau củ hơn 315.000 tấn, thủy hải sản 15.750 tấn, thực phẩm chế biến 18.114 tấn, trái cây 156.000 tấn, bánh mứt kẹo khoảng 9.000 tấn, rượu, bia, nước giải khát 600 triệu lít.


Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông: Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương chủ động theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thịt lợn và sản phẩm thịt lợn trong nước và qua biên giới. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, để không xảy ra tình trạng tăng giá, sốt giá. Các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà sản xuất điều tiết lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý Nhà nước, chia sẻ lợi nhuận của mình, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá lợn tăng nóng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của Nhà nước.


Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: Phối hợp với các địa phương đưa hàng hóa về Hà Nội

Để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho lãnh đạo thành phố. Ngoài ra, Hà Nội phối hợp với các địa phương đưa nguồn hàng các tỉnh, thành khác như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vào Hà Nội để vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, lại đa dạng nguồn cung cho thị trường Thủ đô.


Giám đốc Vùng Hà Nội Tập đoàn Central Group Lê Mạnh Phong: Big C cam kết bán thịt lợn phi lợi nhuận

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá thịt lợn luôn đứng ở mức cao gây ra ảnh hưởng không nhỏ cho khách hàng, đặc biệt là trong dịp Tết này, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Nhu cầu về thịt lợn trong dịp Tết năm nay tăng nhanh khiến giá cả mặt hàng này càng trở nên khó kiểm soát. Từ thực tế đó, hệ thống siêu thị Big C cam kết bán thịt lợn phi lợi nhuận trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán phục vụ khách hàng.


Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung: Tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể phục vụ trọn 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2019. Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, từ giữa năm 2020, Saigon Co.op đã phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng lượng hàng thiết yếu lên từ 2 lần. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, Saigon Co.op cũng đã có kế hoạch tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 - 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm Tết.