Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Hà Nội hiện có tổng đàn lợn lớn thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Đồng Nai) với khoảng 1,9 triệu con. Sau 10 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 40,8% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi ở 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 543.191 con (chiếm gần 30% tổng đàn) với trọng lượng 37.119 tấn.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay đã có 300 xã, phường, thị trấn (chiếm 67% tổng số đơn vị có dịch bệnh) đã qua 30 ngày không phát sinh. Có 6 quận, dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên). Tại 6 huyện (Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thanh Trì, Thường Tín, Gia Lâm) có trên 80% số xã dịch bệnh đã qua 30 ngày.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhu cầu thịt lợn của Hà Nội trung bình khoảng 600 tấn/ngày. Với diễn biến thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi thời gian qua, Hà Nội cũng rơi vào tình trạng thiếu thịt lợn như các địa phương khác. Tuy nhiên, “Hà Nội sẽ không thiếu thịt lợn trầm trọng vào dịp Tết như các địa phương…” – ông Nguyễn Huy Đăng nhận định.
Lý giải cho quan điểm trên, ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng, hầu hết các công ty, DN, trang trại chăn nuôi lợn lớn của Hà Nội vẫn giữ được đàn lợn tương đối lớn và đang sản xuất khá ổn định. Số lợn bị thiệt hại của Hà Nội chủ yếu nằm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bên cạnh đẩy mạnh tăng đàn có điều kiện (kiểm soát) và khuyến cáo các DN, trang trại, người chăn nuôi kéo dài thời gian nuôi nhằm tăng trọng lượng lợn thịt, Hà Nội đang phối hợp rất tốt với các tỉnh, TP lân cận trong việc tiếp nhận nguồn thịt lợn về giết mổ tại các cơ sở lớn trên địa bàn. Điển hình như lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), trung bình mỗi ngày giết mổ từ 2.000 – 2.5000 con lợn.
Cùng với đó, vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sẽ có một lượng lớn người dân cư trú tại Thủ đô trở về quê nghỉ lễ. Điều này cũng sẽ góp phần giảm áp lực về tiêu thụ thịt lợn cho thị trường Hà Nội.