Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ triển khai 5 chuyên đề thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thịnh An - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/7, tại phiên làm việc thứ 2 của HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu HĐND TP tại phiên thảo luận tổ chiều 1/7.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu HĐND TP
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu HĐND TP

Số doanh nghiệp giải thể tăng 15%

Thực hiện chương trình của Kỳ họp, chiều 1/7, HĐND TP đã tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Theo đó, đã có 40 lượt đại biểu phát biểu tập trung vào 4 nội dung gồm: nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024 của TP Hà Nội; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp TP năm 2024 và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của TP Hà Nội - cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP; Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Sáng 2/7, tại phiên làm việc tại hội trường, làm rõ một số nội dung đại biểu HĐND TP nêu liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, về khó khăn của doanh nghiệp, lũy kế đến ngày 27/6/2024, có 14.965 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn hơn 138 nghìn tỷ đồng (giảm 3,7% về số lượng doanh nghiệp, giảm 9% về vốn đăng ký); có 2.053 doanh nghiệp giải thể (tăng 15%); 16.221 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 22%); 2.520 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 16%).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, số doanh nghiệp rời thị trường tăng (kể cả quy mô toàn quốc) chủ yếu do ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, những khó khăn mang tính cơ cấu ngày càng bộc lộ cũng bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi, cải tổ để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Về môi trường đầu tư, kinh doanh, để nâng cao Chỉ số PCI, TP Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, ngày 21/6/2024 UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND để chỉ đạo và phân công các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp nâng cao 142 chỉ tiêu thành phần Chỉ số PCI.

Chủ tọa điều hành phiên họp sáng 2/7
Chủ tọa điều hành phiên họp sáng 2/7

Đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất

Đối với nhóm nội dung liên quan giải pháp thực hiện các khoản thu về đất, mặc dù, thu tiền sử dụng đất 6 tháng đầu năm đã có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn đạt thấp so với dự toán, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn chỉ ra một số nguyên nhân, đồng thời cho biết, để phấn đấu hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2024 ở mức cao nhất, tại kỳ họp này, UBND TP đã trình HĐND TP thông qua mức hệ số điều chỉnh giá đất đối với các trường hợp áp dụng hệ số theo quy định của pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 2/7
Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 2/7

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng cho biết, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở Tài nguyên và Môi trường, Tài Chính, Cục Thuế TP Hà Nội cùng UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung công việc theo chức năng được phân công. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đủ điều kiện tổ chức đấu giá, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đấu giá năm 2024.

Tập trung đẩy nhanh công tác xác định giá đất cụ thể đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, tham mưu UBND TP chỉ đạo; tập trung đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn...

Thúc đẩy giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024

Về việc nhận diện các điểm nghẽn, nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công và giải pháp thúc đẩy giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết: năm 2024, Trung ương giao kế hoạch vốn cho TP là 81.033 tỷ đồng, cao hơn 1,73 lần so với năm 2023, trong đó nguồn thu từ đất là 36.100 tỷ đồng gấp 2 lần so với năm 2023.

Đại biểu tham dự phiên làm việc sáng 2/7
Đại biểu tham dự phiên làm việc sáng 2/7

Đến ngày 30/6/2024, TP giải ngân được 19.484 tỷ đồng (đạt 24% kế hoạch), cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (tính đến ngày 30/6/2023) là 3.553 tỷ đồng và đứng thứ 2 về giá trị tuyệt đối sau Bộ Giao thông vận tải.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP đã chỉ đạo thực hiện 5 chuyên đề trong đó đã xác định rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành, chủ đầu tư để tập trung: hoàn thiện các thủ tục đầu tư (phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh dự án,…) để đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn theo quy định; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, quyết liệt triển khai các dự án trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình, kế hoạch; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; rà soát tổng thể Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; chuẩn bị cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2026-2030.

Năm 2025, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công năm 2025 vòng 2 cùng với việc điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP và báo cáo Thành ủy, trình HĐND TP quyết nghị tại kỳ họp cuối năm 2024. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 phù hợp với khả năng triển khai thực hiện thực tế của từng nhiệm vụ, dự án và đảm bảo phù hợp với số vốn thông báo chính thức của Trung ương, khả năng cân đối nguồn vốn khả thi, vững chắc của các cấp ngân sách.

Với Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, UBND TP tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu HĐND TP và sẽ chỉ đạo các thành viên Tổ công tác, Ban Quản lý đường sắt đô thị nghiên cứu, cập nhật rà soát, phân tích các phương án huy động nguồn vốn, xác định các điều kiện, chính sách cần có để thực hiện (bao gồm các phương án kêu gọi đầu tư tư nhân, các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, giải pháp phát hành trái phiếu...). Trên cơ sở đó, tiếp thu cùng với ý kiến góp ý của các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện nội dung Đề án.

Đối với đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã cập nhật, bổ sung ngay những vấn đề liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Luật vào dự thảo Đề án, cụ thể về biện pháp xử lý đối với các cơ sở, công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và Chỉ thị của Chính phủ, UBND TP tiếp tục nghiên cứu tham mưu HĐND thành phố các quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các công trình vi phạm, có hướng dẫn cụ thể về giải pháp để đảm bảo an toàn cho nhóm cơ sở loại hình nhà trọ, chung cư mini, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.