Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Siết chặt quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà vừa ký Công văn số 116/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Lễ hội Xuân năm 2025.

Lãnh đạo TP Hà Nội cùng đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra đột xuất trên địa bàn quận Thanh Xuân năm 2024. Ảnh: Thanh Bình
Lãnh đạo TP Hà Nội cùng đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra đột xuất trên địa bàn quận Thanh Xuân năm 2024. Ảnh: Thanh Bình

Theo đó, để tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai hiệu quả các hoạt động đảm bảo An toàn thực phẩm (ATTP) trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, UBND TP yêu cầu các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Quản lý thị trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 21/11/2024 của UBND TP về đảm bảo ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa các tin bài về kết quả thanh tra, kiểm tra, các cơ sở vi phạm về ATTP; tin bài cảnh báo mất ATTP cho cộng đồng; tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

Công an Thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát chuỗi cung ứng thực phẩm, phát hiện các sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thành phố và các Sở, ngành trong công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh và phân phối thực phẩm.

UBND các quận, huyện thị xã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP theo quy định; truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong việc sử dụng phòng chống ngộ độc thực phẩm, lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa Lễ hội; đồng thời ngoài các phương thức truyền thông truyền thống cần phải đổi mới và đẩy mạnh các phương pháp truyền thông trên các nền tảng số.

Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP trên địa bàn trước, trong và sau Tết, đặc biệt chú trọng đến các thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết, các kho phân phối, các chuỗi cung ứng thực phẩm, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm xung quanh các địa điểm tổ chức lễ hội lớn. Đặc biệt yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra đột xuất, không báo trước, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hoá chất; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý để kịp thời khắc phục hậu quả, giảm thiểu ảnh hưởng khi có sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.