Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tạm dừng 3 bệnh viện vì không an toàn trong phòng, chống dịch: Không thể lơ là!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên, tại Hà Nội, cùng lúc có 3 bệnh viện: Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Mắt HiTec và Mắt Việt Nhật bị đình chỉ hoạt động vì chưa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Cùng với đó, nhiều bệnh viện khác bị phê bình, nhắc nhở và yêu cầu chấn chỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên cả nước đồng loạt kiểm tra các cơ sở y tế về việc triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19.

Khẩn trương kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh minh họa
Tại Hà Nội, liên tục trong những ngày qua, lãnh đạo UBND TP, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các bệnh viện (BV) trong và ngoài công lập trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, TP đã kiểm tra 46/80 BV trực thuộc, trong đó có 30/41 BV công lập, 16/39 BV tư nhân. Kết quả, có 36/46 BV an toàn, 7/46 BV an toàn ở mức thấp, 3/46 BV không an toàn, chủ yếu là các nhóm BV chuyên khoa mắt ngoài công lập. 3 BV không an toàn này đã bị tạm đình chỉ hoạt động. Đây là biện pháp mạnh cần thiết trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, trong đó, sự lây nhiễm trong môi trường BV là rất đáng lo ngại.
BV Đà Nẵng là một bài học đau đớn, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, dịch Covid-19 ở Đà Nẵng khiến ngành y tế rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học, trong đó có công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế. Đây là điểm dễ phát tán Covid-19, đồng thời làm tăng gánh nặng điều trị cho bệnh nhân lẫn cho ngành y tế. Từ bài học BV Đà Nẵng trở thành ổ dịch Covid-19 và lây lan ra nhiều địa phương trên cả nước, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội xác định các BV là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, các cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội đã tái khởi động nhiều biện pháp chống dịch. Các BV phân luồng bệnh nhân ngay từ cổng, bố trí phòng khám sàng lọc tại khoa khám bệnh, kiểm soát chặt chẽ người ra vào, thực hiện khai báo y tế. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra qui định cấm người nhà vào thăm bệnh ngay từ đợt dịch lần thứ nhất và duy trì đến nay. Đa số BV đã thực hiện nghiêm, tiếc thay, vẫn còn một số đơn vị còn chủ quan, lơ là. Đây chính kẽ hở trong phòng chống dịch, và nếu Covid-19 bùng phát, lây lan trong những cơ sở này thì tác hại khôn lường.
3 BV ở Đà Nẵng từng bị phong tỏa, trước đó, BV Bạch Mai, BV Thận Hà Nội, một số khoa của BV Đức Giang, Xanh Pôn, Huyết học Truyền máu và T.Ư… nội bất xuất ngoại bất nhập là bài học cần được rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác phòng chống dịch. Và tuần qua, BV E thêm một phen hú vía. May mắn, khi xét nghiệm lại nhiều lần, bệnh nhân không bị nhiễm Covid-19. Đây cũng là một lần đáng để “giật mình” cho chính BV E và các cơ sở y tế khác.
Với những lần phong tỏa các BV vừa qua, ngành y tế Đà Nẵng, Hà Nội và cả nước chắc chắn đã có được một bài học quá lớn về sự nghiêm ngặt kiểm soát dịch bệnh ngay trong BV. Nhưng khi qui định đã có, các đơn vị y tế nỗ lực thực hiện, cần nhất vẫn là sự hợp tác, ủng hộ cả 3 bên: Người bệnh - người nhà bệnh nhân và cả người thân đến thăm bệnh. Khi đó mới bảo đảm được an ninh, an toàn trong BV, cũng là an toàn cho cả cộng đồng.