Nguồn cung ổn định
Thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, hộ gia đình chị Trịnh Thị Chiên ở xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) vẫn duy trì hơn 1ha nuôi trồng thủy sản. Hiện, trung bình mỗi tháng gia đình chị cung ứng cho thị trường hơn 1 tấn cá nước ngọt các loại.
Tại vùng đồng chiêm trũng xã Trầm Lộng, không chỉ gia đình chị Chiên, các nông hộ vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh nhiều khó khăn đan xen. Đến nay, hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản vẫn được các hộ gia đình tại huyện Ứng Hòa duy trì.
Cùng với huyện Ứng Hòa, nhiều địa phương khác cũng phát triển tương đối ổn định các diện tích nuôi trồng thủy sản, nhất là tại những vùng trọng điểm như: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Quốc Oai… Từ đầu năm 2021 đến nay, diện tích đưa vào sản xuất toàn TP đạt khoảng 23.500ha.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, theo ước tính, sản lượng thủy sản nuôi trồng của Hà Nội vào khoảng 9.675 tấn/tháng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, tổng sản lượng ước đã đạt hơn 63.000 tấn, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với nuôi trồng, sản lượng khai thác thủy sản của Hà Nội cũng đạt hơn 869 tấn trong khoảng 7 tháng đầu của năm 2021. Ngoài ra, các hộ tiểu thương còn nhập từ 11 tỉnh, TP trên cả nước khoảng 2.000 tấn thủy sản về tiêu thụ tại chợ đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai). Tổng sản lượng thủy sản đến nay cơ bản bảo đảm tiêu dùng cho hơn 10,3 triệu dân Thủ đô.
Tăng cường kết nối tiêu thụ
Thực tế những năm qua, để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô, Hà Nội đã tích cực phối hợp với các địa phương trong chuỗi liên kết giữa Hà Nội và 21 tỉnh, TP. Theo đó, hàng triệu tấn nông sản (bao gồm cả thủy sản) đã được cung cấp bổ sung cho TP. Điển hình có Hòa Bình hàng năm cung ứng cho Hà Nội khoảng 1.500 tấn, trong khi Vĩnh Phúc cũng chuyển về tiêu thụ tại địa bàn Thủ đô khoảng 4.000 tấn thủy sản…
Cùng với sản phẩm tươi sống, Hà Nội hiện có hơn 100 cơ sở chế biến thủy sản với các quy mô lớn nhỏ, cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể. Điều này bảo đảm duy trì nguồn cung ứng và đa dạng hóa sản phẩm thủy sản cho người dân Thủ đô.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay, người dân Thủ đô vẫn được bảo đảm nguồn cung thủy sản đầy đủ cho tiêu dùng. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc vận chuyển thủy sản về Hà Nội có những khó khăn nhất định, ngành nông nghiệp đã lên kế hoạch tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng lên mức 10.000 tấn/tháng.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành NN&PTNT sẽ tập trung hỗ trợ phát triển một số diện tích nuôi trồng thủy sản ngắn ngày, có năng suất cao như: Cá rô phi đơn tính, cá chép lai… Rà soát, mở rộng diện tích mô hình nuôi cá - lúa để duy trì diện tích nuôi trồng đạt khoảng 24.000ha.
“Hà Nội sẽ tiếp tục liên kết với các tỉnh, TP nhằm bổ sung nguồn cung hàng thủy sản đông lạnh bình quân khoảng 2.500 tấn/tháng từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… Đây là giải pháp đa dạng hóa sản phẩm thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô” - ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.
“Để ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị TP hỗ trợ kinh phí mua con giống thủy sản ngắn ngày (cá rô phi, chép lai) và hóa chất xử lý môi trường cho 7.000ha nuôi trồng tập trung. Cùng với đó là tiếp tục chỉ đạo các địa phương tạo thuận lợi cho việc lưu thông, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thủy sản…” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ. |