Kinhtedothi - “Muốn đẩy mạnh việc tiêu thụ đặc sản vùng miền khu vực Tây Bắc đòi hỏi DN, chính quyền 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La tăng cường hơn nữa hoạt động liên kết, quảng bá sản phẩm tại Hà Nội” - Đó là ý kiến của đại diện Cục Xúc tiến thương mại - XTTM (Bộ Công Thương) và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) tại buổi làm việc với lãnh đạo và UBND 2 tỉnh này vừa được HPA tổ chức. Chưa quảng bá sản phẩm Yên Bái và Sơn La là những địa phương có nhiều loại đặc sản nổi tiếng vùng Tây Bắc như chè Suối Giàng, nếp nương Tú Lệ... (Yên Bái), thịt trâu gác bếp, xoài, đào, mật ong…( Sơn La). Tuy nhiên, thời gian qua, DN 2 tỉnh chưa chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu nên người tiêu dùng (NTD) Hà Nội chưa biết nhiều đến các sản vật trên mặc dù có nhu cầu không nhỏ. Bên cạnh đó, một số đặc sản địa phương tuy đã được NTD biết đến nhưng sức tiêu thụ không cao như mong muốn, thậm chí một số sản phẩm đặc sản còn đứng trước nguy cơ dần bị mai một. “Điều này xuất phát từ sự thiếu liên kết mang tính hệ thống trong quy trình đảm bảo chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Nó cho thấy vai trò của tổ chức XTTM địa phương chưa đáp ứng được mọi yêu cầu của DN” - Phó Cục trưởng Cục XTTM Đỗ Kim Lang nêu rõ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cũng thừa nhận: Mặc dù tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được NTD biết đến như chè Shan tuyết Suối Giàng, mật ong nhãn (Văn Chấn), nếp nương (Tú Lệ) nhưng quy mô sản xuất vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu tập trung thành vùng nguyên liệu quy mô lớn để xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy, các cơ sở sản xuất đặc sản vùng miền của 2 tỉnh Yên Bái, Sơn La do sự hạn chế về vốn, quy mô sản xuất, trình độ quản trị và nghiệp vụ XTTM… nên chưa tiếp cận được phương thức và các kênh phân phối hiện đại để tiêu thụ đặc sản. Hỗ trợ doanh nghiệp 2 tỉnh quảng bá sản phẩm Trong 2 năm 2014 - 2015, ngành công thương Hà Nội đã liên tục tổ chức “Hội chợ đặc sản vùng miền”, qua đó tạo cơ hội cho DN quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm và học hỏi cách cải tiến mẫu mã sản phẩm... Đây là hoạt động mà DN tỉnh Yên Bái, Sơn La cần tận dụng. Báo cáo kết quả tổ chức “Hội chợ Đặc sản vùng miền” trong 2 kỳ vừa qua cho thấy, Hội chợ đã thu hút hơn 300 DN tham gia, tạo cơ hội cho các DN ký kết xây dựng gần 600 đại lý tiêu thụ sản phẩm. Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành, vùng miền đã được đưa vào hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn TP Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải kiến nghị: Sau 2 lần tham gia Hội chợ, NTD đã biết đến đặc sản tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, DN tỉnh Sơn La chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc hoạt động quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nên rất mong HPA hỗ trợ DN. Ghi nhận ý kiến này, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ DN 2 tỉnh Tây Bắc 50% chi phí gian hàng và 100% chi phí truyền thông, quảng bá, an ninh, tổ chức hội thảo, giao thương. Tuy nhiên, DN trong quá trình sản xuất cũng cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, dài hạn với mục tiêu cụ thể, thay vì lập kế hoạch từng năm. Đồng thời, ngành công thương 2 tỉnh cần đẩy mạnh liên kết, từ đó hình thành hệ thống cung ứng hàng hóa và phân phối, đảm bảo yêu cầu chất lượng, xuất xứ sản phẩm. Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh nêu rõ: Việc Hà Nội tổ chức Hội chợ và DN 2 tỉnh Yên Bái, Sơn La tham gia hoạt động này sẽ tạo cơ hội cho DN cải tiến bao bì, chất lượng sản phẩm đặc sản địa phương thông qua mạng lưới liên kết với các đơn vị nghiên cứu, công ty thiết kế chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời thiết lập mối quan hệ kinh doanh với những DN phân phối lớn như Aeon, Lotte..., qua đó sản phẩm của 2 tỉnh có thể tiếp cận tốt nhất thị trường Hà Nội cũng như thị trường xuất khẩu. Theo bà Mai Anh, HPA sẽ hỗ trợ DN tỉnh Sơn La giới thiệu sản phẩm tại trung tâm thương mại - chợ Hàng Da, qua đó quảng bá đặc sản vùng miền, hàng Việt tới NTD Thủ đô và du khách quốc tế”.
Người tiêu dùng Hà Nội mua đặc sản vùng miền tại hội chợ đặc sản vùng miền tổ chức năm 2015. |