Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tạo đột phá trong thu hút đầu tư

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nửa đầu năm, trong bối cảnh trong nước và quốc tế nhiều khó khăn song phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, Hà Nội đã hoàn thành cơ bản, toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao, thu hút vốn đột phá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Nhiều chuyển biến tích cực

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) tăng 7,3%. So với mức tăng trưởng chung 5,52% cả nước, đây là mức tăng trưởng khá. Một số ngành công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì được mức tăng trưởng. Trong đó, một số ngành có tốc độ tăng cao so với tốc độ tăng chung của toàn ngành như: Chế biến thực phẩm, tăng 22,6%; sản xuất trang phục, tăng 38,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, tăng 24,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, tăng 16,5%; sản xuất kim loại, tăng 21,2%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế, tăng 20%...
Doanh nghiệp làm thủ tục Đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Doanh nghiệp làm thủ tục Đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ cũng tăng mạnh, thị trường vẫn khá sôi động với tốc độ tăng tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ xã hội đạt mức cao với 9,6% so với cùng kỳ. Du lịch đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 9,4%. Doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 4.530 tỷ đồng. Xu hướng khách quốc tế lưu trú ngày càng nhiều, đạt trên 1,5 triệu lượt người. Trong đó, khách đến du lịch nghỉ dưỡng chiếm phần lớn...

Lĩnh vực xây dựng từng bước khởi sắc, các công trình hạ tầng giao thông được triển khai đúng tiến độ, hoàn thành và cơ bản hoàn thành các công trình trọng điểm.  Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng tăng mạnh. Hà Nội đã thu hút vốn đột phá, đạt 138.000 tỷ đồng (vốn đầu tư trong nước là 66.000 tỷ đồng, vốn FDI là 1,3 tỷ USD), tăng 3,15 lần so với cùng kỳ năm trước; số vốn thu hút theo hình thức đối tác công tư (PPP) tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. TP đã công bố nhiều dự án kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 711.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực: Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó ưu tiên cho tăng trưởng xanh, các công viên, các khu vui chơi giải trí; Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, nước sạch nông thôn... Đầu tư công nghệ cao cho lĩnh vực y tế, sản xuất công nghiệp cho lĩnh vực phụ trợ, nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ mới và năng lượng sạch, công nghệ xanh và những công nghệ tiên tiến trong quản lý, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có những chuyển biến mạnh...

Tuy nhiên bên cạnh đó, còn không ít khó khăn, thách thức với Hà Nội đó là mức tăng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm so với đầu năm; Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới biến động khó lường; Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; Các khoản cho vay bất động bị thu hẹp...

Khơi thông nguồn lực doanh nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm, số DN được thành lập mới tại Hà Nội là 10.823, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015.

Mục tiêu của Hà Nội trong năm 2016, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội đặt mục tiêu đạt 8,5 - 9,0%; GRDP bình quân đầu người 85 - 87 triệu đồng/năm; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 11,0 - 12,0%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7 - 8%. Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, TP quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm là 10 - 11%. Để đạt được thắng lợi toàn diện, TP tập trung thực hiện 8 chương trình lớn của Thành ủy, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công trình trọng điểm của TP. Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách Nhà nước, tăng cường rà soát quản lý nguồn thu, thực hiện tốt công tác chống thất thu nợ đọng thuế. TP cam kết đạt chỉ tiêu ngân sách, dự toán đưa ra năm 2016; Tiếp tục thực hiện chương trình của Chính phủ về hỗ trợ DN, thực hiện các cam kết đã ký tại Hội nghị "Hà Nội - 2016 Đầu tư hợp tác và phát triển". Với quyết tâm này, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN, thu hút đầu tư... sẽ được TP đẩy mạnh trong thời gian tới.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách của TP thu hẹp, hạ tầng đô thị còn những hạn chế, nhiều việc phải tập trung giải quyết... tuy nhiên lãnh đạo TP nhấn mạnh, nguồn lực là ở chính chúng ta, ở các vấn đề quản lý, ở các thủ tục mà chúng ta có thể khơi thông cho người dân và DN. Giải pháp của Hà Nội là hướng tới cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động đến môi trường kinh doanh; công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch xây dựng, đất đai, quy hoạch ngành. Thời gian khởi sự kinh doanh được rút ngắn, nâng tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng lên trên 50%, thời gian đăng ký kinh doanh tối đa là 2 ngày, thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày, tỷ lệ kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 9%; cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư. Đồng thời, TP sẽ là cầu nối để các DN tiếp cận với nguồn vốn của các ngân hàng. Đến tháng 6, tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP ước đạt 1,308 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước (chỉ số này của tháng trước tăng 1,1%); so với tháng 12/2015 tăng 5,9%...

Hiện nay, các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị TP Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Hầu hết các cấp ủy đã ban hành chương trình hành động nhằm cụ thể hóa phù hợp với tình hình địa phương, cũng như chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị với mong muốn và tin tưởng quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.
Tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ DN, trong đó đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 78 cho phép Hà Nội thí điểm sử dụng tài khoản đăng nhập thay cho tài khoản đăng ký kinh doanh để khuyến khích DN đăng ký kinh doanh qua mạng, tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường; Với các dự án ODA, giải ngân theo tiến độ thực tế theo cam kết của các nhà tài trợ, ủy quyền cho TP được phê duyệt các dự án trọng điểm quốc gia do TP làm chủ đầu tư  trong khi chờ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia...