Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tạo thêm nhiều không gian sinh hoạt văn hóa qua tuyến phố đi bộ

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU của Thành ủy, đến nay có 4 chỉ tiêu đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; có 14 chỉ tiêu triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ. Những kết quả này góp phần quan trọng trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị của Thủ đô.

 Không gian phố đi bộ thành cổ Sơn Tây với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật hấp dẫn du khách (Ảnh: Phạm Hùng).
Không gian phố đi bộ thành cổ Sơn Tây với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật hấp dẫn du khách (Ảnh: Phạm Hùng).

Thực hiện có hiệu quả việc chỉnh trang đô thị

Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025", Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-Ctr/TU đánh giá: Nhiều sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng địa phương và có những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Đây là một Chương trình lớn với 19 chỉ tiêu, 6 nhóm giải pháp trọng tâm, 56 nhiệm vụ cụ thể và 41 dự án, công trình trọng điểm. Đến nay, đã có 4 chỉ tiêu hoàn thành, cơ bản hoàn thành; 10 chỉ tiêu triển khai thực hiện đã có kết quả, dự kiến hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021-2025; có 5 chỉ tiêu khó cần tập trung chỉ đạo.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Cụ thể, trong số 4 chỉ tiêu hoàn thành, cơ bản hoàn thành có chỉ tiêu “Phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ”. Thời gian qua đã hoàn thành 4 không gian, tuyến phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường vành đai 3 - Bitexco; Không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; Không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành: Khu phố kinh doanh dịch vụ, đi hộ hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Tuyến phố văn hóa, ẩm thực Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông,...

Với chỉ tiêu “Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố”, UBND Thành phố đã ban hành và đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố.

Đến nay, đã cơ bản hoàn thành các dự án: Công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1, Khu đô thị mới Cầu Giấy; Khu công viên và hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch; hoàn thành vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm); vườn Hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình). Triển khai 3 dự án cải tạo, nâng cấp các công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất. Thực hiện chuyển Công viên Thống nhất sang mô hình công viên mở để phục vụ Nhân dân.

Đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư cải tạo, chỉnh trang đô thị

Chia sẻ về kết quả thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, Chương trình 03-Ctr/TU giao cho quận Hoàn Kiếm 12 chỉ tiêu chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn. Đến nay quận đã cơ bản hoàn thành xong với 11 tuyến đã thực hiện xong, 1 tuyến còn lại hoàn thành giai đoạn 1, đang triển khai thực hiện giai đoạn 2, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật độc đáo khiến du khách thích thú
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật độc đáo khiến du khách thích thú

Bên cạnh đó, để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng thông minh, hiện đại kết hợp với bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị văn hoá lịch sử, quận đã phối hợp với các sở, ngành Thành phố và các đơn vị liên quan hoàn thành chỉnh trang hè đường 155 tuyến phố (sắp xếp, hạ ngầm đường dây đi nổi, lát hè bằng vật liệu đá...).

Ngoài ra, để đảm bảo cảnh quan đô thị, tăng cường chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, thu hút khách du lịch đến tham quan-nhất là tại các tuyến phố tổ chức không gian đi bộ, quận cũng triển khai cải tạo chỉnh trang mặt đứng với 48 tuyến phố và 123 ngõ.

Về công tác chỉnh trang vườn hoa, công viên, theo Chương trình 03-Ctr/TU quận Hoàn Kiếm được giao thực hiện đối với 10 vườn hoa. Quận đã cải tạo đồng bộ vườn hoa Diên Hồng với diện mạo hoàn toàn mới. Năm 2023, quận tiếp tục hoàn thành cải tạo, nâng cấp 6 vườn hoa.

Để đạt được những kết quả trên, theo ông Phạm Tuấn Long phải đầu tư đồng bộ từ việc hạ ngầm đường dây diện, viễn thông, chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước, cấp nước... lát hè bằng vật liệu tự nhiên, bố trí cây xanh, thảm cỏ, trang thiết bị đô thị và chỉnh trang mặt đứng ngay sau khi hạ ngầm đường dây nổi để phát huy được giá trị kiến trúc cảnh quan đồng bộ, nâng cao hiệu quả đầu tư trên toàn tuyến phố. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá trong việc đầu tư cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Đối với quận Hai Bà Trưng, thực hiện cải tạo 3 vườn hoa trên địa bàn, UBND quận đã trình HĐND phê duyệt dự án cái tạo, chỉnh trang vườn hoa Pasteur, vườn hoa Yec xanh, vườn hoa Tăng Bạt Hổ 1,2 với tổng mức đầu tư dự kiến gần 14 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2023.

Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Ảnh: Minh An)
Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Ảnh: Minh An)

Ngoài ra, thực hiện công tác rà soát tình hình sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn, căn cứ thực trạng đối chiếu quy hoạch, quận đã lập chủ trương đầu tư dự án và hoàn thành đưa vào sử dụng hạ tầng kxy thuật sân, vườn, cây xanh tại khi đất Ao Đông Ba với quy mô đầu tư sân chơi, vườn hoa phục vụ các hoạt động văn hoá, thể dục tại địa bàn phường Quỳnh lôi (tổng mức đầu tư hơn 6,3 tỷ đồng).  

Với việc phát triển mở rộng không gian, tuyến phố đi bộ, quận đã triển khai tổ chức thực hiện không gian phố đi bộ-văn hoá khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa dạo quanh hồ Thiền Quang. Việc đưa phố đi bộ Trần Nhân Tông đi vào hoạt động đã tạo không gian cảnh quan đẹp, liên kết chặt chẽ với Công viên Thống Nhất; mang lại không gian đi bộ cũng như điểm sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thương mại dịch vụ hoà nhập với Công viên Thống Nhất, tạo không khí mới cho địa điểm này. Đồng thời, các hoạt động của tuyến phố được triển khai an toàn, hiệu quả, tạo được không gian đi bộ phục vụ Nhân dân trên địa bàn cũng như bước đầu đáp ứng được nhu cầu không gian vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của người dân Thủ đô nói chung.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03-Ctr/TU, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần tập trung cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị (công viên, vườn hoa, chiếu sáng, cấp thoát nước đô thị). Đồng thời chỉnh trang tuyến phố sau khi hạ ngầm đồng bộ với chỉnh trang các công trình kiến trúc theo tuyến. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương và văn minh đô thị...