Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội, hiện tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) của TP là 30.840ha, trong đó có 6.706ha ao hồ nhỏ, 4.327ha hồ chứa mặt nước lớn, 19.807ha và nhiều sông như lớn như: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống… có thể cho người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đồng thời, Hà Nội còn có nhiều hồ phân bố tại các quận, huyện, thị xã, một số hồ có diện tích lớn như: hồ Suối Hai (1.000ha), Đồng Mô (1.400ha), Quan Sơn (782 ha)... Các hồ này có giá trị điều tiết nước sản xuất nông nghiệp và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học cao.
Những năm qua, trên địa bàn TP đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì.... Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 24.500ha, chủ yếu là diện tích nuôi cá; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 127.400 tấn. Tính chung 6 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn TP ước đạt 58.800 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, các loài thủy sản sống trong tự nhiên trên các hệ thống sông, hồ, kênh mương, ruộng trũng… lại đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và sản lượng, do các hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản bằng kích điện, sử dụng lưới kích cỡ không đúng quy định... Bên cạnh đó là tình trạng môi trường nước ao, hồ, sông, kênh mương bị ô nhiễm do các loại nước thải; các loại thuốc, hóa chất dùng trong nông nghiệp gây ra đã tác động xấu tới sự sinh sản, phát triển của các loài thủy sản. Do đó những năm qua, sản lượng thủy sản khai thác tại Hà Nội có xu hướng giảm dần.
Thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về cấm sử dụng xung điện, kích điện chất độc, chất nổ và một số ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản; tổ chức các lớp tập huấn về những quy định của pháp luật về công tác quản lý sinh vật ngoại lai, thủy sinh vật ngoại lai xâm hại; phối hợp với UBND các xã thả hàng chục nghìn cá chày mắt đỏ, trắm đen chép, ngạnh… nhằm tái tạo nguồn lợi tại các sông Tích, sông Bùi, sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, suối Yến…
Trong khuôn khổ chương trình, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên đã tổ chức thả cá phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản tại địa phận sông Hồng, chùa Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Đây là hoạt động thiết thực thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cấp ngành trong việc tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Qua đó, nhằm tuyên truyền đến cộng đồng không khai thác thủy sản mang tính hủy diệt; phát động và khơi dậy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị Chi cục và các đơn vị chức năng của Sở tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả cá phóng sinh trên địa bàn. Đồng thời triển khai những mô hình, dự án về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng. Phối hợp cùng địa phương và Giáo hội Phật giáo tiếp tục quan tâm, chỉ đạo trong công tác thả cá phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản, đặc biệt là việc kiểm tra xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản trên các sông lớn giáp ranh giữa các tỉnh.
Cùng với đó, Sở cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng dẫn và ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn TP.