Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: thêm đối tượng đặc thù được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương

Thịnh An - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 4/10, tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định đối tượng đặc thù được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố Hà Nội; 100% đại biểu tham gia biểu quyết nhất trí tán thành.

Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vốn vay

Nghị quyết quy định đối tượng đặc thù được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố Hà Nội gồm: tín dụng đối với học sinh sinh viên (học sinh sinh viên thuộc hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang học tại các trường đại học hoặc tương đương đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật);

Hộ gia đình có vợ/chồng là người dân tộc thiểu số/người khuyết tật, hoặc có vợ/chồng đã chết; hộ gia đình có thành viên là đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công theo quy định của pháp luật về người có công.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương trình bày tờ trình 
Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương trình bày tờ trình 

Tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường áp dụng với hộ gia đình cư trú tại phường thuộc quận, thị xã trên địa bàn TP chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm áp dụng với người lao động có việc làm đang đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc có thu nhập thấp hơn mức thu nhập bình quân của người lao động đang làm việc trên địa bàn TP được Cục thống kê TP Hà Nội công bố theo từng năm.

Tạo điều kiện để những đối tượng khó khăn được tiếp cận nguồn vốn

Trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạch Liên Hương cho biết: với đặc thù về mặt bằng giá cả, điều kiện sống, mức sống Hà Nội cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, các tiêu chí về nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, tiêu chí về giảm nghèo, tạo việc làm... của Hà Nội cũng có nhiều đặc thù và cao hơn so với tiêu chí chung của cả nước; đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cũng cần phải có những đặc thù riêng khác với đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn Trung ương.

Chủ tọa điều hành phiên họp
Chủ tọa điều hành phiên họp

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội theo các quy định hiện hành đang cho thấy một số bất cập về đối tượng được vay vốn, nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn so với mặt bằng chung của TP; chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phục vụ nhu cầu việc làm, học tập, đời sống theo quy định hiện hành của Trung ương.

Cụ thể, người lao động đang đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc đã có việc làm nhưng thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn (nhất là đối với những trường hợp công nhân làm theo ca, kíp tại các khu công nghiệp) muốn mở rộng việc làm (có thêm phương án sản xuất kinh doanh cho bản thân và các thành viên trong hộ gia đình ngoài giờ làm việc như: mở cửa hàng kinh doanh tại nhà, chăn nuôi, trồng trợt...), nhưng không được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Hộ gia đình có nhiều hơn 1 con cùng lúc đang học đại học hoặc các trường tương đương Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề; hộ gia đình có vợ/chồng đã chết hoặc vợ/chồng là người khuyết tật hoặc vợ/chồng là người dân tộc thiểu số, hộ gia đình người có công với cách mạng...mặc dù có hoàn cảnh khó khăn so với mặt bằng chung của TP nhưng hiện nay chưa thế tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách của một số chương trình tín dụng đề phục vụ nhu cầu học tập, đời sống, việc làm do không thuộc đối tượng vay vốn theo quy định của Trung ương.

Hộ gia đình cư trú tại địa bàn thị trấn thuộc huyện (trong giai đoạn từ ngày 1/9/2024 trở về trước) hoặc tại các phường thuộc thị xã, quận chưa có công trình nước sạch, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng bị xuống cấp, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của TP nhưng cũng không thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để xây mới/cải tạo do không thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường theo quy định của Chính phủ.

Đại biểu tham gia biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết
Đại biểu tham gia biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết

Người dân sinh sống tại một số huyện của TP sẽ được lên quận trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 cũng sẽ không được tiếp cận nguồn vốn vay để xây mới/cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh khi địa bàn huyện được công nhận lên quận.

Theo Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có hiệu lực thi hành từ ngày 2/9/2024, các hộ gia đình cư trú tại địa bàn thị trấn thuộc các xã được bổ sung là đối tượng thụ hưởng chương trình tín dụng về nước sạch và vệ sinh môi trường; các hộ gia đình cư trú tại phường thuộc thị xã, quận không thuộc đối tượng thụ hưởng chương trình tín dụng này.

Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại về đối tượng thụ hưởng nói trên, tạo điều kiện để những đối tượng khó khăn trên địa bàn TP được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu học tập, đời sống, việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân Thủ đô, cần thiết phải xem xét bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.