Trước khi các đại biểu biểu quyết thông qua, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông trình bày Tờ trình của UBND TP cho biết: Trong giai đoạn 2014 – 2019, tình hình kinh tế xã hội cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng tăng trưởng ổn định (khoảng 7,3% - 7,8%), GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 5.134 USD/người/năm, mức lương tối thiểu tăng 29,5% so với thời điểm năm 2013 dẫn đến mức thu nhập thực tế, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu mua sắm, sửa chữa nhà của người dân tăng nên góp phần làm giá đất trên địa bàn tăng lên.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội về bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024. |
Tại Bảng giá đất giai đoạn 2014 – 2019, nguyên tắc tính giá đất đối với các thửa đất tiếp giáp từ 3 tuyến đường, phố trở lên có đặt tên chưa được quy định. Một số tuyến đường đã có tên trong Bảng giá đất nhưng điểm đầu và điểm cuối chưa thể hiện được đầy đủ chiều dài của tuyến đường gây khó khăn khăn khi xác định giá đất; Một số tuyến đường mới được đặt tên theo Nghị quyết của HĐND nhưng chưa được bổ sung trong Bảng giá. Việc phân loại các loại đất chưa đầy đủ trong Bảng giá đất gây khó khăn trong việc xác định giá đất.
Từ những phân tích dựa trên tình hình thực tế, để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP, UBND TP đã xem xét và thống nhất mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường với mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 – 2019. Song trong Bảng giá đất mới, đất nông nghiệp vẫn được giữ nguyên mức giá như quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP.
Theo Tờ trình của UBND TP, mặc dù giá đất khảo sát thị trường tăng cao so với mặt bằng chung trong bảng giá nhưng Bảng giá mới được xây dựng, điều chỉnh phải đảm bảo: Đúng quy định của pháp luật về khung giá đất, nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất do Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính quy định theo Luật Đất đai năm 2013. Từng bước bảo đảm sự cân đối về giá đất đối với các khu vực giáp ranh giữa nội thành với huyện ngoại thành; góp phần bình ổn về giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường; đảm bảo sự cân đối về giá giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn TP.
Trình bày báo cáo thẩm tra của HĐND TP, Trưởng ban KT-NS HĐND TP Hồ Vân Nga cho biết: Theo bảng giá đất mới, giá đất ở tại đô thị thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm có giá cao nhất là 187.920.000đ/m2 nằm trong khung giá tối đa của Chính phủ quy định; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông là 4.554.000đ/m2. Giá đất ở đô thị tại các phường của thị xã Sơn Tây có giá tối đa là 19.205.000đ/m2, giá tối thiểu là 1.449.000đ/m2. Giá đất ở tại các thị trấn thuộc các huuyện có giá tối đa là 25.300.000đ/m2, giá tối thiểu là 1.430.000đ/m2.
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Dương Thị Hằng (tổ ĐB huyện Gia Lâm) đánh giá Bảng giá đất mới phù hợp với giá thị trường, thực hiện trong khung giá đất mà Chính phủ quy định. Hiện nay cử tri quan tâm giá đất nông nghiệp trên địa bàn TP không có điều chỉnh tăng. Qua thực tế cho thấy, việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội TP là rất lớn, tác động đến đời sống của người nông dân Thủ đô. TP đã có những chính sách hỗ trợ để giúp đời sống nông dân ổn định hơn song ĐB vẫn kiến nghị TP cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa để tạo điều kiện tốt nhất cho những người nông dân có đất nông nghiệp bị thu hồi.
ĐB Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) cho rằng với mức điều chỉnh tăng 15%, Bảng giá đất lần này sẽ không tác động quá lớn đến đời sống của người dân Thủ đô, tương đồng với mức lạm phát của 5 năm vừa qua. Song nhìn với góc độ sản xuất kinh doanh, mức giá nhà trên thị trường đang rất cao, cho nên việc điều chỉnh bảng giá đất này sẽ không kỳ vọng sẽ sát giá thị trường đất hiện nay.
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đất ở, theo số liệu báo cáo của Cục Thuế Thành phố: Tiền thuế thu được từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phi nông nghiệp năm 2019 khoảng 369,8 tỷ đồng với mức tăng khoảng 15% tương úng khoảng 57,70 tỷ đồng phân bổ trên 1,3 triệu hộ dân Thủ đô phải nộp thuế, mỗi năm 1 hộ dân đóng thêm 44.385 đồng. Đồng thời, theo chu kỳ ổn định của khoản thuế này, đến ngày 01/01/2022 mời phải thực hiện điều chỉnh theo Bảng giá mới, do đó tác động của việc tăng giá đất ở tại Bảng giá sẽ không tác động nhiều.
Tại Kỳ họp 12 của HĐND TP khóa XV, có 94/94 đại biểu (đạt 100% đại biểu có mặt) tán thành thông qua Nghị quyết về các loại giá đất trên địa bàn TP Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.