Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Thông qua chủ trương đầu tư một số dự án trọng điểm trung hạn

Ngọc Hải - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 98/98 đại biểu tham gia biểu quyết nhất trí, Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020 của TP Hà Nội đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP khoá 15, chiều ngày 5/12.

Xét đề nghị của UBND TP và Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách, HĐND TP Hà Nội, Dự thảo nghị quyết đã đưa ra danh mục đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư 31 dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội, với tổng mức đầu tư dự kiến 12.279,823 tỷ đồng.
 Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đọc tờ trình tại HĐND TP
Cụ thể có 22 dự án dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C do TP quản lý, có sử dụng vốn ngân sách TP, tổng mức đầu tư dự kiến 8.032,706 tỷ đồng. 9 dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C do TP quản lý, sử dụng 100% ngân sách cấp huyện, tổng mức đầu tư dự kiến 4.247,117 tỷ đồng.
Nội dung Nghị quyết cũng giao UBND TP Hà Nội, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, thực hiện lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Lập hồ sơ xin ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của các bộ, ngành và cơ quan liên quan về quy hoạch, nhiệm vụ và các chỉ tiêu thiết kế, phương án kỹ thuật và quy mô dự án theo quy định trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án.
UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích họp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương tiện, giải pháp kĩ thuật phù họp, đảm bảo tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả; xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí GPMB đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành; hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.
Đối với dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C do TP quản lý, sử dụng 100% ngân sách cấp huyện, UBND TP căn cứ Nghị quyết của HĐND TP, trình HĐND cấp huyện phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao, kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp cùng Chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp Chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.
Chấp thuận nguồn vốn và khả năng cân đối vốn 2 dự án hỗ trợ ngành dọc, hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách các quận, huyện, thị xã thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội, tổng mức đầu tư dự kiến 30,352 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong danh mục nêu tại Dự thảo Nghị quyết có 2 dự án Cống hoá mương Đồng Bông và mương Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm), thuộc Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, chưa được thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh từ mương hở sang mương kín.
Theo giải trình của Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, 2 dự án này nằm trong phạm vi đầu tư hạ tầng phục vụ giải đua xe công thức 1 mà TP đã đăng cai tổ chức vào tháng 4/2020. Do tiến độ gấp gáp, UBND TP đề xuất HĐND thông qua để sớm triển khai, nhằm kịp phục vụ tổ chức giải đấu.
 Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) phát biểu thảo luận
Đối với các dự án Cống hoá 2 tuyến mương: Đồng Bông, Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm), Đại biểu Nguyễn Văn Nam (Hai Bà Trưng) đề xuất HĐND vẫn thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án mương cống hoá để kịp tiến độ chung xây dựng đường đua F1; đồng thời giao UBND TP báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất): Hà Nội đã có chủ trương cứng hoá các mương hở để tránh ô nhiễm môi trường. Chúng ta cứ thông qua chủ trương đầu tư, giao UBND TP hoàn thành sớm, báo cáo HĐND vào kỳ họp gần nhất. Các ý kiến nêu trên đã nhận được sự ủng hộ rất cao của các đại biểu HĐND TP Hà Nội.
Sau khi lắng nghe, xem xét các ý kiến góp ý của đại biểu, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020 của TP Hà Nội với 100% đại biểu tham gia biểu quyết nhất trí (98/98 đại biểu).