Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với Hà Nội, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã gây nhiều tác động xấu đến đời sống và môi trường.

Đầu năm 2016, đã xảy ra trận giá lạnh kỷ lục (40 năm mới có tuyết rơi ở đỉnh núi Ba Vì, nhiệt độ xuống tới 5,4oC ở Hà Đông). Tám tháng đầu năm 2016, tổng lượng mưa trên địa bàn TP đạt mức 1.540mm, lớn hơn cả năm 2015 và trung bình nhiều năm cùng  thời kỳ…
Từ thực tế…
Năm 2016, BĐKH khiến Hà Nội phải hứng chịu thiệt hại nặng nề ngay từ cơn bão số 1 (trước đây từ cơn bão số 3 mới bị ảnh hưởng). Nhiệt độ mùa Đông, mùa Hè và nhiệt độ năm của các thập kỷ gần đây cao hơn các nửa thập kỷ trước… BĐKH đã tác động trực tiếp đến đời sống đô thị do nguồn nước ngầm bị suy giảm. Khi nhiệt độ tăng, nhu cầu nước tăng, việc khai thác phục vụ nhu cầu sẽ làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp.
Ngoài ra BĐKH cũng có các tác động xấu đến hoạt động giao thông vận tải (phá hủy hạ tầng giao thông, gia tăng phát thải khí nhà kính). Mưa bão gây ngập lụt cũng làm cản trở hoạt động giao thông; tuổi thọ của các công trình giảm, gia tăng chi phí bảo dưỡng. Hạ tầng cấp, thoát nước đô thị và các công trình ngầm cũng bị ảnh hưởng. Nắng nóng kéo dài cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, bê tông hóa dẫn đến hấp thụ nhiệt cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân; nhiệt độ nền tăng làm gia tăng khả năng phát sinh dịch bệnh…
… đến giải pháp
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, UBND TP Hà Nội đã chủ động ban hành "Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH". UBND TP đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư về tác động của BĐKH. Nghiên cứu các cơ chế chính sách, phương án hỗ trợ cộng đồng dân cư trong việc ứng phó với tai biến thiên nhiên. Xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng tự ứng cứu trước những sự cố xảy ra do thiên tai và các hiện tượng thời tiết bất thường. Bên cạnh đó, TP đang từng bước tiếp cận các phương pháp, mô hình nhằm góp phần giảm thiểu BĐKH. Trong đó, nhiệm vụ “kiểm kê, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP Hà Nội” đang được triển khai; thu thập thông tin số liệu, đánh giá hiện trạng nhằm xây dựng các phương pháp luận, tính toán lượng phát thải khí nhà kính và hệ số phát thải cho từng lĩnh vực phát thải phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội của Hà Nội. Từng bước giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế của TP theo hướng cacbon thấp.
Nhiều việc cần làm
Những nỗ lực trên đã tạo ra bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức về biến đổi khí hậu của các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý và Nhân dân trên địa bàn TP. Ý thức bảo vệ môi trường của người Hà Nội (nhất là khu vực nông thôn) đã có nhiều thay đổi tích cực. Từ chỗ rất ít người quan tâm đến BĐKH; đến nay mọi người đã ý thức rằng, biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân gây ra diễn biến thất thường của thời tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đời sống…
Ngoài những việc đã làm, Hà Nội vẫn còn phải "đối đầu" với hàng loạt vấn đề trong ứng phó với BĐKH. Đó là hiểu biết chưa sâu, chưa đánh giá đầy đủ các tác động của BĐKH. Mới coi BĐKH là nguy cơ mà chưa được xem là cơ hội để thúc đẩy theo hướng phát triển bền vững. Nhận thức về sự cần thiết phải lồng ghép, phối hợp liên ngành, liên vùng để ứng phó với BĐKH chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được bổ sung yếu tố BĐKH. Công tác nghiên cứu khoa học cơ bản về BĐKH còn nhiều hạn chế. Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả mà chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa. Năng lực tự ứng cứu trong các hoạt động phòng chống thiên tai còn hạn chế. Các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa được đẩy mạnh đúng mức. Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vẫn chưa được phát triển, sử dụng tương xứng với tiềm năng.