Giao ban quý III/2022 Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-Ctr/TU của Thành uỷ:

Hà Nội thực hiện tốt việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 12/10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025" đã tổ chức Hội nghị giao ban quý III/2022.

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-Ctr/TU chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo, cùng lãnh đạo Đoàn ĐB Quốc hội, các ban HĐND và các sở, ngành liên quan.

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 08 phát biểu tại hội nghị
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 08 phát biểu tại hội nghị

Số lao động được giải quyết việc làm đạt 105,2% kế hoạch năm

Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” (viết tắt là Chương trình 08-Ctr/TU) trong 9 tháng đầu năm 2022, đại diện Sở LĐTB&XH thông tin: Để triển khai có hiệu quả Chương trình, các sở ngành, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bằng các Đề án, kế hoạch, cụ thể.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 8 quận, huyện: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đông Anh. Thông qua công tác kiểm tra, Ban Chỉ đạo ghi nhận những kết quả đạt được, cách làm hay, sáng tạo của các quận, huyện trong triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo để góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình 08-CTr/TU, cụ thể: Về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, đến nay, TP đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm (tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021). Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,1% dân số (kế hoạch Chương trình 08-CTr/TU năm 2022 là 92,5%).

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Trong công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, TP duy trì hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 với số mắc liên tục giảm từ giữa tháng 3/2022. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng. Các bệnh viện tiếp tục nâng cao năng lực khám chữa bệnh, bố trí khoa khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Về kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025, toàn TP có 3.612 hộ nghèo, chiếm 0,16% tổng số hộ dân toàn TP và 30.176 hộ cận nghèo, chiếm 1,38%. Hiện tại, các địa phương đang tập trung thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022. Dự kiến cuối năm 2022 có 15 quận, huyện không có hộ nghèo theo chuẩn mới (11 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Đống Đa, Bắc Từ Liêm và 04 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh). Riêng quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo...

Trong 9 tháng đầu năm 2022, UBND TP đã ban hành Quyết định phân bổ 1.977,544 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022. Trong đó UBND TP dành riêng nguồn vốn 521,514 tỷ đồng (từ nguồn Ngân sách TP bổ sung năm 2022) để tập trung triển khai cho vay thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đời sống, giảm chênh lệch mức sống của Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tích cực vận động Nhân dân hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhân đạo, từ thiện. Đồng thời, quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...

Tập trung thực hiện một số chỉ tiêu khó

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình như: Ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; cố tình dây dưa, chây ì để nợ BHXH tồn đọng, kéo dài; tình hình sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thực hiện việc trích nộp hàng tháng theo quy định...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Cùng với đó, một số văn bản thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU còn chậm được ban hành; nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn mặc dù được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Ban Chỉ đạo Chương trình cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát; rà soát, xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 08/9/2021 của UBND TP để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đảm bảo hoàn thành. Gắn việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình này với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, địa phương và trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo.

Chú trọng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển hệ thống an sinh xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia...

Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn..... Đảm bảo lưu thông cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, bình ổn thị trường. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm...

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương nhấn mạnh: Qua báo cáo cho thấy có 24/27 chỉ tiêu có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Hiện còn 3 chỉ tiêu cần quan tâm chỉ đạo, tính toán để đạt đúng kế hoạch: Chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân; chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân; chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường”.

Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế        

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã làm rõ thêm một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cũng như đề xuất một số nội dung để việc thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU đạt được các mục tiêu đề ra.

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn thống nhất với kết quả đánh giá 9 tháng năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ những tháng còn lại. Theo Phó Bí thư Thành ủy, trong điều kiện phòng, chống dịch Covid -19 gắn với phát triển kinh tế - xã hội, TP đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân; có cơ chế đặc thù cả với lực lượng tuyến đầu chống dịch...

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-Ctr/TU đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, khoa học và bài bản các nhiệm vụ, bằng việc duy trì họp thường kỳ, chuyên đề đều đặn với 5 cuộc họp, 2 kỳ chuyên đề bàn về nội dung dung liên quan, các chỉ tiêu khó. Đồng thời, đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra việc thực hiện từ rất sớm.

Trưởng Ban VH-XH, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Trưởng Ban VH-XH, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Kết quả nổi bật nữa liên quan đến cơ chế chính sách, theo Phó Bí thư Thành ủy, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách với việc ban hành Nghị quyết về y tế, giáo dục, tu bổ với quy mô, tầm vóc chưa từng có. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết về học phí và hỗ trợ các đối tượng liên quan.

"Năm vừa qua TP cũng quyết liệt ban hành các Nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ học phí, bởi quan điểm của TP là tập trung lo cho vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo mức thu học phí nhưng vẫn giảm 50% cho học sinh. Bên cạnh đó là Nghị quyết về hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND TP đã đưa ra và ban hành được Nghị quyết này với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỉ đồng, nhằm tri ân, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho nhân viên y tế"- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nêu.

Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 08-Ctr/TU đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo góp ý kiến trực tiếp về các nội dung bằng văn bản. Sở LĐTB&XH (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) có trách nhiệm tiếp thu các ý kiến và xây dựng báo cáo đầy đủ, hoàn chỉnh. Đặc biệt trong công tác kiểm tra, cần tập trung đánh giá tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. Qua kiểm tra, sơ kết, giao ban nhiều đơn vị, quận/huyện/thị xã, sở, ngành có cách làm hay cần nhân rộng, ghi nhận, biểu dương. Các kiến nghị đề xuất, nội dung nào thực hiện được cần tập trung ngay.

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-Ctr/TU phát biểu kết luận Hội nghị
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-Ctr/TU phát biểu kết luận Hội nghị

Chỉ ra những nét mới trong hoạt động của Ban Chỉ đạo, Phó Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo cần tập trung vào các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện, đặc biệt với các chỉ tiêu khó như chỉ tiêu về giường bệnh, số lượng bác sỹ/vạn dân; nội dung dung liên quan đến trường học, bệnh viện, kiến trúc, tài nguyên môi trường.

Nêu nhiệm vụ trong thời gian từ nay đến cuối năm 2022, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị phân tích rõ nguyên nhân khó khăn, vướng mắc và có giải pháp thực hiện. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để hoàn thành 27 chỉ tiêu của Chương trình; tập trung quyết liệt cho các chỉ tiêu khó, đặc biệt chỉ tiêu về giường bệnh là rất quan trọng, cần tập trung phê duyệt chủ trương đầu tư... Đồng thời, đề nghị cơ quan thường trực, các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành phối hợp thực hiện Chương trình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần