Theo thông tin từ địa phương, sáng 22/11, trong khi ra thăm vườn chuối để chuẩn bị bán trong dịp Tết Nguyên đán 2019 ở thôn Trung, xã Dương Hà, chị Đỗ Thị Thủy (quê Hưng Yên) phát hiện nhiều buồng chuối bị chín rụng một cách bất thường. Qua kiểm đếm sơ bộ, có khoảng hơn 2.000 buồng chuối trong tổng số 7.000 cây chuối có quả của gia đình chị Thủy bị chín rụng với nhiều dấu hiệu nghi bị kẻ gian phun thuốc kích thích.
Theo chị Thủy, nếu chuối chín do chăm sóc không đúng cách hoặc do thay đổi thời tiết thì phải chín cả vườn chứ không thể nào chín một phần được. Hơn nữa, những vườn chuối xung quanh vẫn xanh tốt, chỉ có vườn chuối của gia đình chị gặp hiện tượng chín ép. Không thể ăn hoặc thu hoạch được vì vỏ bị vỡ toác, tuy vỏ chín nhưng ruột vẫn cứng như chuối xanh non. Nếu tính theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại, thiệt hại của gia đình chị Thủy khoảng 500 triệu đồng, còn nếu vào dịp Tết thì giá trị của số chuối bị hủy hoại trên có thể gấp nhiều lần.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình chị Thủy đã có đơn trình báo Công an huyện Gia Lâm vào sáng 23/11, Công an huyện đã xuống hiện trường kiểm tra, lấy mẫu về xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Chủ tịch UBND xã Dương Hà, huyện Gia Lâm cho biết, đây là vụ việc có dấu hiệu phá hoại khá nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trên địa bàn từ trước đến nay. Hộ gia đình chị Thủy là người nơi khác (tỉnh Hưng Yên) đến thuê lại ruộng của người dân địa phương để trồng trọt cách đây khoảng 4 năm.
Sau khi nắm được thông tin vụ việc, sáng 26/11, UBND xã Dương Hà đã cử cán bộ xuống kiểm tra tình hình, xác định thiệt hại của gia đình chị Thủy khoảng 9 mẫu ruộng, tương đương 2.000 buồng chuối. Nếu tính giá bán chuối vào dịp Tết Nguyên đán (vài trăm nghìn/nải chuối, mỗi buồng chuối trung bình 10 nải) thì thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Hiện tại, UBND xã Dương Hà đang phối hợp với các đơn vị liên quan xác định thiệt hại của người dân và thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm tra đồng ruộng, bảo vệ hoa màu. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết, quan trọng nhất vẫn là người dân chủ động bảo vệ tài sản của mình, bởi theo quy định, người dân có thể làm lán trại ngoài đồng ruộng để bảo vệ hoa màu. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình chị Thủy đã bắt đầu làm lán trại tại ruộng để bảo vệ diện tích chuối còn lại.
Qua sự việc này, chính quyền và người dân xã Dương Hà mong muốn các cơ quan chức năng, cơ quan liên ngành làm công tác quản lý hoạt động mua bán, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cần có biện pháp quản lý hữu hiệu để bảo vệ tài sản cho người dân.