Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tiến tới nền hành chính công khai, minh bạch

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một năm triển khai thực hiện Quyết định số 07 của UBND TP quy định về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (MCLT) đã góp phần từng bước xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, làm thay đổi mối quan hệ chính quyền - người dân.

Gần 99% hồ sơ giải quyết đúng hạn

Thống kê của UBND TP cho thấy, đến nay TP đã ban hành 36 quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) của nhiều ngành sau khi rà soát, kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền. Trong đó, Sở VH&TT đề xuất giảm thời gian giải quyết 25 TTHC và giảm thành phần hồ sơ của 1 TTHC. Sở Tư pháp rút thời gian giải quyết "cấp phiếu lý lịch tư pháp” từ 15 ngày làm việc còn 13 ngày, “thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng” từ 10 ngày còn 7 ngày… Nhiều UBND quận, huyện cũng tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo một cửa, MCLT như quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Gia Lâm…

Công dân tra cứu thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND huyện Gia Lâm.

Theo UBND TP, các cơ quan, đơn vị thuộc TP đang giải quyết 1.856 TTHC thuộc thẩm quyền, trong đó sở và cơ quan tương đương có 1.407 TTHC, cấp huyện 300 TTHC, cấp xã 149 TTHC với 97,33% TTHC thực hiện theo một cửa, MCLT trên toàn TP. Từ tháng 3/2016 đến nay, các đơn vị đã tiếp nhận hơn 8,5 triệu hồ sơ TTHC, trong đó nhiều nhất là cấp xã với 4,5 triệu hồ sơ. Đáng chú ý, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn toàn TP đạt tới 98,93%, một số lĩnh vực hầu như không có hồ sơ quá hạn, như công thương, đăng ký kinh doanh, VHTT…

Thực tế cũng cho thấy, việc tiếp nhận, chuyển, giải quyết hồ sơ và trả kết quả đều được công khai trên phần mềm một cửa điện tử; công dân được cấp mã tra cứu hồ sơ để theo dõi quá trình giải quyết. Tại nhiều đơn vị, với những hồ sơ giải quyết trước hạn thì chủ động thông báo cho công dân; với hồ sơ bị quá hạn giải quyết thì nghiêm túc xin lỗi.

Tháo gỡ nhiều vướng mắc

Dù đạt kết quả khả quan, song theo khảo sát của Sở Nội vụ, từ khi thực hiện Quyết định 07, kết quả giải quyết một số hồ sơ hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, còn hồ sơ bị trễ hẹn trong các lĩnh vực LĐTB&XH, đất đai… Thậm chí, còn công chức khi tiếp nhận, giải quyết TTHC tự đặt ra thủ tục, giấy tờ ngoài quy định, gây phiền hà cho người dân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây nhận định: Tại thị xã, việc phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn, xã, phường về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC theo cơ chế này thời gian đầu năm 2017 còn hạn chế. Chưa nhiều hồ sơ thực hiện theo DVC mức độ 3, cũng một phần do các phòng chưa thường xuyên rà soát TTHC, phần mềm một cửa điện tử hoạt động không hiệu quả, trong một lĩnh vực có nhiều phần mềm. Còn theo UBND quận Nam Từ Liêm, thiết bị hạ tầng và phần mềm ứng dụng CNTT chưa đồng bộ, vẫn còn hồ sơ bị trả quá hẹn, một phần lại do quy trình giải quyết trên phần mềm không hợp lý. Một số cán bộ cơ sở cũng phản ánh, nhiều TTHC liên thông chưa thực sự thông suốt, nhất là hồ sơ liên thông lĩnh vực “người có công” thuộc thẩm quyền giải quyết của TP và T.Ư, khiến giải quyết TTHC hay bị chậm, muộn.

Trước những hạn chế này, nhiều đơn vị kiến nghị TP sớm có phương án nâng cấp, tích hợp và đồng bộ hóa phần mềm để sử dụng hiệu quả hơn trong giải quyết TTHC liên thông. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn và kiến nghị T.Ư gỡ vướng trong giải quyết hồ sơ liên thông lĩnh vực “người có công”. Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng đề nghị các sở khi sửa đổi, công bố các TTHC cần đảm bảo kịp thời khi có thay đổi quy định của các bộ, ngành, nhất là lĩnh vực VHTT, LĐTB&XH… Còn theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, TP cần khẩn trương đưa vào sử dụng các hệ thống phần mềm chung của TP để thay thế những phần mềm đang sử dụng đã lạc hậu.