Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tiếp tục có sương mù, TP Hồ Chí Minh lo ngập nặng khi áp thấp vào Biển Đông

Đức Thọ (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày làm việc đầu tiên năm 2018, miền Bắc được che phủ bởi một lớp sương mù tương đối dày. Trong khi đó áp thấp nhiệt đới tiến nhanh vào Biển Đông, kết hợp triều cường gây nguy cơ ngập nặng cho Nam Bộ.

Sương mù bao phủ Hà Nội
Ngày 2/1/2018 ghi nhận tại nhiều tỉnh Bắc Bộ, xuất hiện 1 lớp sương mù dày kèm theo mưa bụi khiến tầm nhìn bị hạn chế, đường trơn trượt, nền nhiệt giảm từ 2 - 3 độ C. Thủ đô Hà Nội chìm trong lớp sương mù từ sáng sớm, đến khoảng sau 8h sáng sương mù tan dần. Tuy nhiên, qua giờ trưa mưa bụi dày lại, trời chuyển rét nhưng không buốt.

Lý giải về hiện tượng trên, Đài KTTV Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, sương mù xuất hiện vào thời diểm này tại các tỉnh phía Bắc là hết sức bình thường và không ảnh hưởng gì tới sức khỏe con người. Nguyên nhân là do biến tính của áp cao lục địa, mang hơi ẩm từ biển vào. Khi vào đến đất liền gặp không khí lạnh gây đông kết ở bề mặt tạo thành mưa phùn và sương mù. Theo dự báo, hiện tượng sương mù sẽ kéo dài khoảng 1 - 2 ngày nữa.

Một số hình ảnh ghi nhận tại Hà Nội:
Ghi nhận của PV báo Dân Việt tại Hoàng Cầu ngày 2/1/2018.

Tòa nhà Kengnam ẩn hiện trong làn sương mù dày đặc. Ảnh: Khám Phá.
Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Khám Phá.
Cầu Nhật Tân chìm trong sương sáng sớm 2/1/2018. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Nhiều tòa nhà chìm trong sương sớm. Ảnh: Báo Tiền Phong.

TP Hồ Chí Minh đối diện nguy cơ ngập nặng
Theo Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, vào hồi 13h ngày 2/1/2018, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông cách miền Trung đảo Pa-la-oan (Phi-líp-pin) khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km, khoảng tối nay sẽ đi vào Biển Đông. Đến 1h ngày 3/1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 380km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km và có khả năng mạnh lên thành bão, ảnh hưởng trực tiếp đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ.

Theo dự báo sơ bộ của các cơ quan khí tượng uy tín trên thế giới, đường đi của cơn bão mới rất phức tạp khi di chuyển vào biển Đông, có vĩ độ hình thành khá thấp, đồng thời nhận định cơn bão mới vẫn chỉ là hình thái rơi rớt của cuối mùa bão năm 2017. Mùa bão năm 2018 theo quy luật thì phải từ tháng 4 và 5 mới bắt đầu.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ đang bước vào đợt đỉnh của triều cường và có thể đạt mức cao nhất vào ngày 3 - 4/1. Cụ thể, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 1,96m; sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,02m.

Tại các trạm chính hạ lưu sông Cửu Long có nơi trên báo động hai; trên sông Sài Gòn tại Phú An có khả năng lên trên báo động ba 0,1 - 0,2m (thời gian xuất hiện đỉnh triều hàng ngày 5 - 7h và 18 - 20h).

Cơ quan khí tượng Trung ương dự báo trong vài ngày tới Nam Bộ sẽ có mưa, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, sạt lở đê bao vùng ven sông và triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Vĩnh Long.