Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản an toàn từ 21 tỉnh, thành

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/12, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn năm 2019.

 Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin kết quả phối hợp với 21 tỉnh, TP 
Một trong những kết quả nổi bật trong Chương trình là Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông lâm thuỷ sản. Theo đó, đã có 3 hội nghị đối thoại, xúc tiến kết nối DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển chế biến, liên kết vùng tạo chuỗi được tổ chức. Hà Nội và 21 tỉnh, TP trong Ban Điều phối Chương trình đã tiến hành đánh giá kết quả phối hợp định kỳ 6 tháng. Đồng thời, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình tại TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, tỉnh Lâm Đồng nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý chất lượng, kết nối chuỗi…
Đáng chú ý, nhiều nông sản thực phẩm của các tỉnh, TP đã được các đơn vị của Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu với sự tham gia của nhiều DN, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng… Đơn cử như các sản phẩm: Gạo Séng Cù, Nếp Tú Lệ, Cam Văn Chấn (Yên Bái); Na Chi Lăng, Măng ớt (Lạng Sơn); Cam Cao Phong, Cá sông Đà (Hoà Bình)… Các sản phẩm được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận, sản lượng bán ra tăng từ 20 – 30%. 
Hà Nội cũng đã phối hợp với 21 tỉnh, TP để cung cấp nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô. Sản lượng sản phẩm của một số địa phương tiêu thụ qua các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm của Hà Nội trong năm 2019 tăng mạnh so với năm 2018. 
 Đại biểu Hà Nội và các tỉnh, TP thăm quan gian hàng tại hội nghị 
Điển hình là tỉnh Hoà Bình cung cấp cho Hà Nội 200 tấn rau hữu cơ, 120 tấn quả có múi, 1.500 tấn cá sông Đà; tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp cho Hà Nội 250 triệu quả trứng gà, 4.000 tấn thuỷ sản nuôi; tỉnh Lạng Sơn cung cấp cho Hà Nội 50 tấn sản phẩm đã qua chế biến (măng ớt, cao khô, thạch đen); tỉnh Bắc kanj cung cấp cho Hà Nội 10 tấn gạo nếp đặc sản, 3 tấn măng khô, 250 tấn bí thơm… 
Ngoài ra, có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã kết nối sản phẩm tiêu thụ tại các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, hệ thống Vinmart kết nối lượng hàng hoá các tỉnh ước đạt 19.000 tấn, giá trị đạt 240 tỷ đồng; BigC Thăng Long kết nối lượng hàng hoá các tỉnh ước đạt 4.600 tấn, giá trị đạt 89 tỷ đồng; Saigon Co.op Hà Nội kết nối lượng hàng hoá các tỉnh ước đạt 1.800 tấn, giá trị đạt 37 tỷ đồng; Hệ thống Hapro kết nối ước đạt 11,4 tỷ đồng. Các hệ thống phân phối khác ước đạt 150 tỷ đồng. 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020, do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, TP thống nhất tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi. Tăng cường chia sẻ thông tin, kiểm soát dịch bệnh, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. 
Thúc đẩy hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản xuất cung ứng nông lâm thuỷ sản an toàn. Tăng cường phối hợp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nông nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN, nhà khoa học trong và ngoài TP ký kết các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình liên kết 4 nhà để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua hợp đồng…