Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - trái tim giáo dục STEM

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi về giáo dục STEM (phương thức giáo dục học thông qua trải nghiệm thực làm, theo cách tiếp cận tích hợp liên môn của Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Toán học) trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Đỗ Hoàng Sơn - thành viên Ban tổ chức chương trình Ngày hội STEM 2017 khẳng định: Hà Nội là “trái tim” STEM của cả nước, tuy nhiên, để triển khai giáo dục STEM thành công cần quyết tâm hơn từ lãnh đạo TP.

 
Thưa ông, tại sao ông gọi Hà Nội là "trái tim" STEM của cả nước?

- Giáo dục STEM là khái niệm còn mới mẻ ở Việt Nam. Tuy không phải là môn học cụ thể, nhưng STEM lại liên quan đến tất cả các môn. Những năm qua, giáo dục STEM ở Hà Nội có nhiều mặt dẫn đầu cả nước. Trong các cuộc thi STEM lớn nhất thế giới dành cho học sinh trung học như Intel ISEF, Hà Nội là địa phương có thành tích cao nhất, mở đường. Đối với giáo dục STEM đại trà, Hà Nội luôn tạo ra các tiêu chuẩn mới và chia sẻ cho các địa phương khác. Đơn cử, cách đây 3 năm, toàn bộ kinh nghiệm của Câu lạc bộ (CLB) Học sinh yêu khoa học khối lớp 6, 7 trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam được chính tôi đem chuyển giao cho 96 trường tiểu học và THCS huyện Thái Thụy (Thái Bình). Mới đây, các thầy cô của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Điện lực, THCS Trưng Vương vừa tham gia tập huấn giáo dục STEM cho gần 400 giáo viên của huyện Thanh Chương (Nghệ An), trong đó có 88 hiệu trưởng.

Nhiều năm tham gia giáo dục STEM, ông nhận thấy việc triển khai dạy học theo hướng tiếp cận này ở Hà Nội được thực hiện thế nào?

- Sau 4 năm, từ chỗ mới tiếp cận giáo dục STEM đến nay, trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) đã có hơn 800 học sinh tham gia CLB STEM của trường và 40 giáo viên dạy học STEM. Các trường khác trong TP cũng rất tích cực giáo dục STEM như THCS Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng), 3 năm qua đã đưa giáo dục STEM vào thời khóa biểu chính thức, mỗi tuần một tiết. Ngoài ra, còn có trường Liên cấp Olympia, THCS Thành Công, THCS Mạc Đĩnh Chi (quận Ba Đình), THCS Nguyễn Trãi, THCS Lê Lợi (quận Hà Đông)... Không những thế, mấy năm nay, học sinh các trường THCS của Hà Nội (Trưng Vương, Giảng Võ, Mạc Đĩnh Chi, Tạ Quang Bửu, Thành Công) vẫn giao lưu với học sinh CLB STEM của các trường trung học Hoa Kỳ thông qua việc cùng làm các dự án STEM bằng vật liệu tái chế.

Sau mấy năm triển khai, tôi nhận thấy ở những trường có CLB STEM, nhiều học sinh và giáo viên rất hứng thú, đam mê khoa học và đọc sách. Từ việc học thông qua thực làm ở các CLB STEM, học sinh đã có nhiều kiến thức, kỹ năng và năng lực giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Với đà này, Hà Nội có thể triển khai giáo dục STEM trong tất cả các trường phổ thông không, thưa ông?

- Triển khai giáo dục STEM đồng loạt là thách thức cho cả ngành GD&ĐT. Hà Nội có cơ hội thuận lợi để làm tốt giáo dục STEM, vì là địa phương có nhiều kinh nghiệm. Hiện nay, một số quận, huyện của Hà Nội như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm... đang tích cực triển khai giáo dục STEM và bước đầu đã có hiệu quả. Tất nhiên, các trường triển khai ở các dạng khác nhau, đang ở mức khuyến khích thông qua CLB. Đã có 14 trường tập huấn STEM cho 100% giáo viên trước năm học 2017 - 2018. Nhưng để triển khai phương pháp giáo dục STEM, yếu tố rất quan trọng là đội ngũ hiệu trưởng. Vì thế, tôi nghĩ rất cần tập huấn cho những người làm quản lý các trường để họ nhận thức sâu sắc, được thực làm giáo dục STEM từ đó có quyết tâm thực hiện.

Ông có khuyến nghị gì cho Hà Nội để giáo dục STEM triển khai hiệu quả trên diện rộng?

- Hà Nội rất cần chiến lược giáo dục STEM bài bản. Tôi nghĩ, TP nên có nghị quyết về kế hoạch thực hiện giáo dục STEM đề ra các mục tiêu cụ thể. Giống như Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16 về cuộc cách mạng 4.0, trong đó có triển khai giáo dục STEM. Hà Nội có khoảng 100.000 giáo viên phổ thông cần được tiếp cận giáo dục STEM thông qua việc được tập huấn một cách bài bản. Các quận, huyện của Hà Nội có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của huyện Thanh Chương (Nghệ An), nơi có dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Tuy nhiên, UBND huyện Thanh Chương đã thực hiện giáo dục STEM ở tất cả 88 trường từ tiểu học đến THPT. Hay tỉnh Nam Định chủ trương triển khai giáo dục STEM ở 100 trường trọng điểm (mỗi huyện 10 trường) để đạt mục tiêu hơn 2 vạn giáo viên tiểu học đến THPT và toàn bộ học sinh xóa mù được giáo dục STEM trong năm học 2017 – 2018.

Xin cảm ơn ông!

Học sinh tiểu học Hà Nội thích thú khi tạo ra điện từ củ khoai tây tại Ngày hội STEM 2017. Ảnh: Thủy Trúc