Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai cơ chế 'một cửa' trong thẩm định nhu cầu sử dụng đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nay, chủ đầu tư chỉ cần làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thay vì phải làm việc với UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan như trước.

Đó là cơ chế “một cửa” liên thông đối với thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Đối với mỗi dự án đăng ký, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tự tổ chức nhận hồ sơ; chủ trì phối hợp lấy ý kiến các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện (nơi thực hiện dự án) để giải quyết thủ tục hành chính.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa.
Thời gian, quy trình và thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư luôn là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư từ khi lập hồ sơ đến thời điểm được nhận giấy phép triển khai dự án, nhất là các dự án có nhu cầu sử dụng đất. Với cơ chế mới này, từ nay, chủ đầu tư sẽ không còn phải tự nộp hồ sơ ở nhiều nơi, làm việc với nhiều đầu mối trong quá trình xin đăng ký thẩm định nhu cầu sử dụng đất để triển khai dự án.

Đây cũng là hành động cụ thể của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố nhằm đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian cấp giấy phép đầu tư, thẩm định nhu cầu sử dụng đất trong quy trình cấp giấy phép của thành phố.

Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cơ chế "một cửa" liên thông đối với thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất trên, thành phố cũng yêu cầu các cơ quan phối hợp phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời gian 7 ngày làm việc, trong đó, cụ thể hóa việc đồng ý, không đồng ý hoặc những vấn đề khác cần bổ sung.

Đáng chú ý, sau 3 ngày hết thời hạn trên, nếu vẫn không nhận được văn bản trả lời, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo UBND thành phố để tổ chức thanh tra công vụ, xử lý theo quy định.

Nhằm đưa cơ chế mới phát huy hiệu quả trong thực tế, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ trong việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức theo định kỳ và đột xuất; tăng cường kỷ luật hành chính nội bộ; thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo đúng thời gian theo quy định.

Đặc biệt, Sở cũng niêm yết và thực hiện quy chế làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước và quy tắc ứng xử, quy định văn hóa công sở; tổ chức tiếp thu ý kiến của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.