Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng không khí

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/7, báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác quý II năm 2019, Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, trong những năm qua, để cải thiện cải thiện chất lượng không khí, UBND TP đã chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm.

Công viên Nghĩa Đô với những khoảng không gian xanh. Ảnh: Công Hùng
Trong đó, TP đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông, thay thế bếp than tổ ong, cấm và hạn chế đốt rơm rạ.
Về phía các hoạt động xây dựng, các công trình cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh, xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào TP và trước khi ra khỏi công trường…
Bên cạnh đó, TP đã xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước các hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C; đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến và tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khu, cụm công nghiệp phải đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải đảm bảo tiêu chuẩn nước thải, khí thải trước khi đi vào hoạt động.
Ngoài ra, TP cũng đã triển khai các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030; Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại; Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Nhằm tiếp tục cải thiện chất lượng không khí trong những năm tới, Sở TN&MT đề nghị UBND TP giao Sở chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn TP; đưa vào vận hành ổn định và công khai kết quả quan trắc trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai áp dụng mô hình hóa trong công tác quan trắc môi trường để xác định nguồn ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt nhằm đưa ra các cảnh báo, dự báo sớm về ô nhiễm không khí; Xác định các nguyên nhân cụ thể gây ra ô nhiễm không khí để tham mưu UBND TP ban hành các chính sách xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, Sở TN&MT đề nghị UBND TP giao Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn từng bước kiểm soát khí thải của mô tô, xe máy đang lưu hành theo Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy của Bộ GTVT; Xây dựng lộ trình để đến năm 2030 dừng hoạt động của xe máy trong khu vực nội đô.
Ngoài ra, xây dựng cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí, tránh ùn tắc cục bộ nhất là trong khu vực nội đô; quy hoạch mạng lưới giao thông hợp lý, xử lý dứt điểm các điểm đen về ùn tắc giao thông.
Sở GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát môi trường, thanh tra xây dựng tăng cường giám sát việc chống khói bụi ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, trung chuyển cát, sỏi; các phương tiện vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng bắt buộc phải được che chắn kín khi tham gia giao thông. Xây dựng kế hoạch chuyên đề cao điểm kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải trọng thiết kế, các xe chở vật liệu, đất, phế thải gây mất vệ sinh môi trường, xe tải đi vào phố không có giấy phép theo quy định.