Hà Nội trong mắt các nhà ngoại giao

Nhóm PV Quốc tế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi dạo Hồ Gươm, ngồi uống trà đá vỉa hè, thưởng thức bún thang, đó là cách mà Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg chọn để hiểu về Thủ đô và câu chuyện mà ông muốn kể còn xa hơn thế.

Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg: Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ

 Đại sứ Thụy Điển ngồi uống trà đá vỉa hè Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng

Gặp Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - ông Pereric Hogberg vào một ngày Hà Nội cuối năm, tôi đã rất hiếu kỳ. Một nhà ngoại giao có hơn 20 năm trong nghề, vừa tới nhậm chức được hơn 3 tháng, bên cạnh hành trình khám phá mảnh đất Việt Nam và nền văn hóa Việt, ông cũng có những trải nghiệm đậm chất “vỉa hè Hà Nội”. Đi dạo Hồ Gươm, ngồi uống trà đá vỉa hè, thưởng thức bún thang, đó là cách mà ông chọn để hiểu về Thủ đô và câu chuyện mà ông muốn kể còn xa hơn thế.

Phải lòng đất Kinh kỳ

Ông chia sẻ: “Tới những nơi mới, tiếp xúc những nền văn hóa mới là niềm đam mê của tôi. Và tuyệt vời hơn nữa khi được làm điều đó ở Việt Nam, ở Hà Nội để lắng nghe những chuyển động của TP này, quốc gia này, với tư cách không chỉ là một nhà ngoại giao mà còn là một người bạn tới từ phương xa”. Đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996, điều Đại sứ Pereric cảm nhận sau 20 năm trở lại mảnh đất này là tinh thần kiên cường của người dân nơi đây sau rất nhiều biến cố lịch sử vẫn trường tồn mạnh mẽ. Và đặc biệt, khi đến với Thủ đô Hà Nội, ông đã thêm hiểu về Việt Nam, và “phải lòng” với mảnh đất Kinh kỳ.

“Ẩm thực Hà Nội rất đặc biệt, với những món ăn có hương vị tự nhiên, khâu chế biến tiết chế cùng các gia vị độc đáo của Á Đông. Bia hơi Hà Nội cũng rất ngon. Người Hà Nội có phong cách thưởng thức bia khác mọi nơi trên thế giới. Con người nơi đây ấm áp, lạc quan, năng động và luôn phấn đấu không ngừng; trong một TP đang chuyển mình mạnh mẽ. Dù mới tới Hà Nội không lâu, nhưng tôi cảm thấy có một sự gắn kết kỳ lạ” - ông Pereric hào hứng chia sẻ.

Từ Stockholm tới Hà Nội - đô thị thông minh

Câu chuyện tự nhiên chuyển từ đề tài này sang đề tài khác cho đến khi ông Pereric khẳng định, từ những trải nghiệm của bản thân cho tới khi gặp gỡ các lãnh đạo TP Hà Nội, ông đã hiểu thêm nhiều khía cạnh trong quá trình phát triển của Thủ đô. Với những tiềm năng đáng kể từ cơ sở vật chất, hướng phát triển tới con người, TP này đang chuyển động không ngừng, hướng tới vươn tầm một đô thị quốc tế. Nhưng trong quá trình phát triển nhanh chóng, khó tránh khỏi những “hạt sạn” như các vấn đề môi trường hay giao thông. Điều đó gợi ông nhớ đến Thủ đô Stockholm của Thụy Điển. “Stockholm đã từng rất ô nhiễm, đặc biệt ở một số sông, hồ lớn. Nhưng sau quá trình cải tạo, nước sạch tới mức có thể uống, cá quay trở lại, thúc đẩy các “hoạt động văn hóa bờ hồ” như câu cá, thậm chí là bơi lội. Cho tới nay, xe bus và các phương tiện công cộng khác ở Stockholm hiện cơ bản chạy bằng rác thải sinh hoạt của chính người dân. 99% rác thải ở Thụy Điển được tận dụng trở thành các sản phẩm mới, nguyên liệu thô và năng lượng. Đổi mới sáng tạo là một trong những nhân tố quan trọng nhất góp phần cho quá trình phát triển của Thụy Điển. “Khi được biết đến những mục tiêu phát triển đầy tham vọng của Thủ đô trong vòng 5 năm tới, như trồng 1 triệu cây xanh, biến đổi rác thành năng lượng, cải tạo toàn bộ hồ nội đô…, tôi cảm thấy sự tương đồng sâu sắc bởi những vấn đề của Hà Nội, Stockholm đã và đang trải qua. Những công nghệ Thụy Điển đã triển khai hoàn toàn có thể áp dụng cho Hà Nội. Thủ đô cần chọn cách phát triển “thông minh” để duy trì những thành tựu phát triển lâu dài” - Đại sứ khẳng định.

Hỗ trợ phát triển bền vững

Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1969); đồng thời là một trong những nhà viện trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam. Với hai bậc thềm vững chãi đó, Đại sứ Peredic khẳng định: “Thụy Điển mong muốn được lắng nghe hơn nữa từ những nhà “cầm cân nảy mực” các quyết sách của Hà Nội, để nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp lâu đời với Thủ đô cũng như Việt Nam. Mục tiêu gần của tôi trong thời gian tới là hỗ trợ làm cầu nối cho các DN Thụy Điển hoạt động lâu đời tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA hay mới đây là Volvo… mở rộng hoạt động, cũng như chào đón những DN mới tới đóng góp cho Thủ đô. Về lâu dài, chúng tôi muốn hợp tác, hỗ trợ Thủ đô hướng tới sự phát triển bền vững, vốn là thế mạnh của Thụy Điển, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội trong tương lai”.

Tôi muốn làm điều gì đó đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết đầu tiên ở Hà Nội. Tôi rất háo hức ngắm nhìn Hà Nội biến chuyển từ một nơi đông đúc, sầm uất trở về với vẻ tĩch mịch vốn có. Phố xá thưa thớt người, âm thanh xe cộ, tiếng nói, tiếng cười giảm xuống. Tôi sẽ đi xe đạp vòng quanh Hồ Tây rồi tới khu vực Phố cổ, hồ Hoàn Kiếm để ngắm nhìn phố xá im lìm vào một buổi sáng đầu năm trong trẻo. (Đại sứ Pereric Hogberg)

Tú Anh


Đại sứ Malaysia M. Zamruni Khalid: Du khách rất muốn khám phá nét văn hóa, lịch sử của Hà Nội

Tôi rất vui khi nhận nhiệm vụ trở thành Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Malaysia tại Việt Nam một lần nữa. Đây không phải lần đầu tiên tôi làm việc tại Việt Nam. Năm 1996, tôi đã tới Việt Nam làm việc trong vòng 3 năm. Khi quay lại đây một lần nữa, Hà Nội đã có nhiều thay đổi, song tôi vẫn có thể nhận ra TP mà mình đã rời đi 17 năm trước. Hà Nội giống như một người bạn cũ, đây là TP đầu tiên tôi làm việc ngoài Malaysia. Trở lại đây, tôi ấn tượng khi Hà Nội phát triển thành một khu đô thị hiện đại, song vẫn giữ được nét văn hóa ở khu phố cổ.

Đường xá phát triển nhiều, khu vực trung tâm xung quanh hồ Hoàn Kiếm không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, một sự thay đổi mà ai cũng có thể nhận ra, đó là cuộc sống của người dân Hà Nội đã khá hơn rất nhiều. Điển hình, là việc người dân ít sử dụng xe đạp, xích lô như một phương tiện đi lại thông dụng giống cách đây 20 năm. Thay vào đó, họ đã có đủ điều kiện để tự sắm cho mình và gia đình những chiếc xe máy và ô tô tiện dụng hơn.

20 năm trước khi tôi ở đây, tôi có đi thăm một vài ngôi đền, chùa nổi tiếng, tôi thấy những chỗ này có nhiều tiềm năng, song lại chưa thực sự phát triển. Bây giờ, Chính phủ và chính quyền Hà Nội đã có những nỗ lực tu sửa để những khu đó phát triển và thu hút du khách hơn.

Về tuyến Phố đi bộ vào cuối tuần, tôi rất tán thành với chính quyền Hà Nội, bởi có một nơi an toàn để du khách đi dạo, đặc biệt là đối với những người chưa quen với giao thông ở Hà Nội. Trước đây, đi bộ trên vỉa hè cũng khá khó khăn, bởi có quá nhiều ô tô, xe máy. Điều này tạo điều kiện cho cả người dân và du khách có thể ngắm kỹ Hồ Gươm, mà không phải lo sợ về sự an toàn của bản thân khi đi bộ trên đường.

Giao thông ở Malaysia cũng nguy hiểm không kém, bởi có nhiều ô tô, và họ đi rất nhanh, đặc biệt là ở Kuala Lumpur. Tuy nhiên, điểm tốt là có nhiều lối đi bộ cho người dân. Hà Nội thì nên để ý tới vấn đề đỗ xe, kể cả Hà Nội cũng đầy xe, khiến người dân không có chỗ đi bộ.

Mối quan hệ giữa Việt Nam – Malaysia rất tuyệt vời, dựa trên 3 điểm. Thứ nhất, đó là mối quan hệ giữa hai Chính phủ, có những chuyến thăm, làm việc với nhau thường xuyên. Thứ hai là vấn đề kinh tế, bởi nền kinh tế của hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng. Theo báo cáo, trong tháng 11/2016, Malaysia có tổng vốn đầu tư là 411,7 triệu USD chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam. Điểm thứ 3 là mối quan hệ giữa người dân Việt Nam và Malaysia, tôi nghĩ đây là điểm quan trọng nhất, bởi mối quan hệ giữa con người với con người có thể thúc đẩy nhiều yếu tố khác. Ví dụ, như nếu người dân Malaysia tiếp tục sang Việt Nam du lịch và ngược lại thì có thể góp phần phát triển kinh tế và cả du lịch của cả hai quốc gia.

Để thu hút khách du lịch, theo tôi, Hà Nội vẫn nên giữ nét văn hóa như hiện tại, bởi TP Hồ Chí Minh phát triển nhưng không khác những TP khác ở Đông Nam Á như Kuala Lumpur, Bangkok… là mấy. Còn Hà Nội khác hẳn, khách du lịch châu Âu vẫn muốn khám phá nét văn hóa, di tích lịch sử như ở Hà Nội.

Với Tết cổ truyền Việt Nam, tôi đã hai lần trải nghiệm. Qua trí nhớ của tôi, khi gần tới Tết cổ truyền của Việt Nam, mọi người thường đua nhau đi mua sắm đồ mới, trang trí nhà, quét dọn nhà cửa để chờ đón những điều may mắn sẽ đến trong năm tới. Vào ngày mùng Một Tết, ngoài đường phổ rất vắng vẻ, bởi các gia đình thường đón Tết ở nhà hoặc tới chúc Tết người thân. Vào ngày này, tôi cảm nhận được rõ Hà Nội cũng sẽ có những thời điểm tĩnh lặng và không còn ồn ào, náo nhiệt như ngày thường, điều này rất tuyệt vời.

 Phạm Phương


Đại sứ Australia Craig Chittich: Nơi hội tụ của tinh hoa

Kể từ khi đảm nhiệm vị trí là Đại sứ Australia, Ngài đã có cơ hội thăm nhiều vùng đất của Việt Nam. Xin Ngài chia sẻ những ấn tượng về những nơi đã qua?

- Tôi đã may mắn được đến 21 tỉnh của Việt Nam rồi và tôi hy vọng sẽ đặt chân đến tất cả 63 tỉnh, thành của đất nước các bạn trong nhiệm kỳ của mình. Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế, tôi cũng đến các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như các tỉnh miền núi Tây Bắc như Sơn La, Tuyên Quang và Yên Bái. Ở tất cả những địa danh đi qua, tôi đều nhận thấy mối quan hệ ngoại giao đang ngày một phát triển giữa Australia và Việt Nam, thông qua những du học sinh, các liên kết kinh tế và dự án phát triển...

Việt Nam là một quốc gia đa dạng, với cảnh vật thiên nhiên, không gian và ẩm thực phong phú. Tất cả đều có vẻ đẹp riêng. Với Hà Nội, đây là một thành phố tuyệt đẹp mà tôi từng ghé thăm vào năm 1998. Hà Nội đã thay đổi rất nhiều nhưng sự hội tụ của những con người tinh hoa và nét ẩm thực tinh tế thì không thay đổi.

Trong những năm tới, theo Ngài đâu sẽ là lĩnh vực chính mà Australia tập trung để củng cố quan hệ giữa 2 nước?

- Mối quan hệ Astralia - Việt Nam tập trung  vào 3 lĩnh vực lớn. Đó là quan hệ đối tác an ninh, đối tác kinh tế và đối tác nghiên cứu, sáng tạo, trong đó bao gồm, giáo dục, hợp tác nghiên cứu và hợp tác khoa học - công nghệ.

Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới thông qua chương trình viện trợ phát triển. Chương trình này tập trung vào việc phát triển khu vực tư nhân, tăng cường nguồn nhân lực của Việt Nam, và trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ để họ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cũng cam kết phát triển quan hệ đối tác nghiên cứu sáng tạo, để tăng năng suất và tăng trưởng của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều lĩnh vực quan trọng khác trong quan hệ giữa 2 nước và trong thời gian tôi ở đây, tôi sẽ làm việc hết mình để thúc đẩy tất cả các lĩnh vực trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước.

Xin cảm ơn ngài!

Lan Hương