Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Trưng bày 200 hiện vật quý về trận Điện Biên Phủ trên không

Phạm Hùng - Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/12, lễ khai mạc triển lãm “Trận Điện Biên Phủ trên không và căn hầm chỉ huy tác chiến T1” đã diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Đến dự lễ khai mạc có nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, cùng nhiều nhà lão thành cách mạng.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Thông qua gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm giới thiệu 2 nội dung chính: Vai trò của của hầm chỉ huy tác chiến T1; Trận Điện Biên Phủ trên không (18 - 29/12/1972). Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật của các nhân chứng lịch sử nguyên là lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ đã từng làm việc tại căn hầm chỉ huy tác chiến T1 trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.
 
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, tham quan một số hiện vật trưng bày tại triển lãm.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, Triển lãm “Trận Điện Biên Phủ trên không và căn hầm Chỉ huy Tác chiến T1” được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của quân và dân Thủ đô.
Sự kiện cũng nhấn mạnh vai trò của hầm Chỉ huy Tác chiến T1 cũng như những nhân chứng lịch sử đã từng làm việc, cống hiến, góp phần làm nên kỳ tích chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
 
Từ ngày 18 - 29/12/1972, Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc phải đối đầu với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng pháo đài bay B-52 của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, lưới lửa phòng không Hà Nội và trên toàn miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, đập tan âm mưu dùng sức mạnh hủy diệt của bom đạn để khuất phục nhân dân ta.
 
Hầm Sở Chỉ huy Tác chiến T1 của Bộ Tổng Tham mưu thuộc cơ quan Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam được xây dựng vào năm 1964, là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như trực tiếp truyền đi các mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ tổng tư lệnh đến khắp các chiến trường trên cả nước.
Du khách Nhật Bản tham quan hầm T1.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, chính tại Hầm T1 đã phát ra những hồi còi đầu tiên báo động phòng không toàn thành phố Hà Nội. Từ hầm Sở chỉ huy tác chiến, mệnh lệnh chiến đấu chính xác, kịp thời được truyền tới các đơn vị tên lửa, phòng không, quyết đánh trúng đích, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ.
Di tích Hầm Chỉ huy Tác chiến T1 đã được khôi phục, trưng bày và mở cửa đón du khách từ tháng 12/2012. Hiện nay, căn hầm là một trong những di tích cách mạng quan trọng, góp phần làm nổi bật giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Một số bức ảnh, hiện vật trưng bày tại triển lãm 
Đồng thời, trong thời gian diễn ra triển lãm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chiếu phim tư liệu và mời các chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự, các nhân chứng nguyên là lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ làm việc trực tiếp tại hầm chỉ huy tác chiến T1 trong 12 ngày đêm năm 1972 đến giao lưu, nói chuyện, ôn lại truyền thống cách mạng với các em học sinh và khách tham quan. Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 15/12 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.