Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tỷ số giới tính khi sinh có giảm nhưng vẫn trên mức báo động

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP Hà Nội đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Tỷ số giới tính khi sinh là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái

Ngày 6/10, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức Hội nghị Gặp mặt biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số nhân Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng – Trưởng ban Chỉ đạo Dân số và phát triển cho biết, những năm qua, huyện Sóc Sơn đã dành được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác dân số và phát triển của huyện. Mức sinh được khống chế, tốc độ gia tăng dân số đã chậm lại, chất lượng dân số từng bước được nâng cao. Tỷ số giới tính khi sinh trong 10 năm trở lại đây đã giảm mạnh (từ 125 bé trai/100 bé gái (năm 2011) giảm xuống còn 112 bé trai/100 bé gái (năm 2021), giảm 13 điểm phần trăm năm tức là giảm ½ so với 10 năm. Nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mức cho phép (từ 103-107 bé trai/100 bé gái). Hiện tại, 9 tháng đầu năm 2022, tỷ số là 115 bé trai/100 bé gái, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước là 119 bé trai/100 bé gái.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thời gian qua, Hà Nội luôn quan tâm, coi trọng công tác dân sốvà phát triển chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS). Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang dân số và phát triển KHHGĐ không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời, giảm số ca tử vong mẹ và trẻ em.

Tỷ số giới tính khi sinh của TP Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. Chỉ tiêu năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Theo số liệu 9 tháng năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái hoàn thành chỉ tiêu năm. 

Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP Hà Nội đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị. Dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.

Học sinh trường tiểu học Xuân Thu, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn trong giờ thể dục.
Học sinh trường tiểu học Xuân Thu, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn trong giờ thể dục.

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 và Ngày Quốc tế Người cao tuổi Việt Nam năm 2022, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn TP, đặc biệt tại một số đơn vị Thanh Xuân, Đan Phượng tổ chức hội nghị gặp mặt biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số. Một số đơn vị tại Thanh Oai, Sóc Sơn, Long Biên, Thanh Trì tổ chức Hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu; Cầu Giấy, Phúc Thọ, Hoài Đức, Hoàn Kiếm tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10…

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Gặp mặt biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu" ở huyện Thanh Oai.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Gặp mặt biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu" ở huyện Thanh Oai.

Mặc dù vậy, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Theo cơ cấu dân số, hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Do vậy, công tác dân số và phát triển cần tích cực triển khai bằng các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Ban tổ chức biểu dương 100 trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số tại huyện Thanh Oai.
Ban tổ chức biểu dương 100 trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số tại huyện Thanh Oai.

Trên toàn TP Hà Nội nói chung, huyện Sóc Sơn nói riêng, có rất nhiều tấm gương bé gái chăm ngoan học giỏi, nhiều gia đình đã, đang và sẽ vẫn thực hiện tốt chính sách dân số. Hàng năm, TP và các quận, huyện tiếp tục biểu dương nhiều tấm gương bé gái chăm ngoan học giỏi. Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng đã biểu dương 100 trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số.

Cùng ngày, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức Hội nghị “Gặp mặt biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số nhân Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10/2022”. Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng đã biểu dương 100 trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số.

 

Theo báo cáo của huyện Thanh Oai, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện tính đến tháng 9/2022 là 115 trẻ trai/100 trẻ gái.

Để giảm thiếu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện, lãnh đạo huyện Thanh Oai đề nghị Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện tới cơ sở cần triển khai mạnh mẽ, rộng khắp các giải pháp giáo dục, truyền thông, vận động. Để thay đổi nhận thức về tình trạng mất cân bằng cơ cấu giới tính khi sinh cũng như hậu quả và hệ lụy xã hội của nó. Từ đó, thay đổi hành vi của người dân hướng tới hành vi sinh sản không chọn lựa giới tính.

Địa phương, cơ sở triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống gia đình cũng như ngoài xã hội. Rà soát, bổ sung các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.