Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nơi xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em nhất

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 18/4, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tại đây, trong bài tham luận gửi đến hội thảo, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thông tin, theo số liệu của 63 tỉnh, TP, trong năm 2018, toàn quốc đã có 1.547 vụ xâm hại trẻ em với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em.

Trong đó, đã có 1.269 vụ án xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 82% tổng số vụ xâm hại) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Đặc biệt, có tới 43 vụ án giết trẻ em cực kỳ dã man. Nơi xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em nhất là hai đô thị lớn: Hà Nội (88 vụ), TP Hồ Chí Minh (77 vụ).
 Tổng đài quốc gia 111 là nơi sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ mọi băn khoăn, thắc mắc của trẻ em
Còn theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em (1.293 em bị xâm hại tình dục). Năm 2017 có 1.592 vụ, 1.757 đối tượng, 1.642 trẻ em (1.397 em bị xâm hại tình dục).
Tổ chức UNICEF cũng thông tin, có 68,4% trẻ em Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà, xếp thứ 27 trên 75 quốc gia.
Thống kê của Bộ LĐTB&XH, trung bình mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà chia sẻ tại Hội thảo, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những khó khăn thách thức.
Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình như bố đẻ, giáo viên, bạn bè trong trường học.
Chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em. Cũng như thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sóng trong gia đình, nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, Các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh chưa biết rõ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường. Các dịch vụ bảo vệ trẻ em còn thiếu, nguồn lực triển khai không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…
Việc giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, kịp thời và thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết.
Vì thế, tại Hội thảo này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở khu vực và quốc tế. Đồng thời thảo luận về cơ chế thúc đẩy, tăng cường phối hợp giữa các ngành, cấp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.
Cũng như đề xuất và bàn các giải pháp mang tính đột phá tháo gỡ khó khăn, thách thức hiện nay trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong tình hình mới.