Nhiều mục tiêu chưa đạt
Theo báo cáo tình hình thực hiện "Đề án các mục tiêu cụ thể giai đoạn 2011 - 2015" của Ủy ban sông Nhuệ - Đáy, thời gian qua đã xử lý được 39/43 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, đạt 90,6%.
Tuy nhiên, trên lưu vực có 50 cơ sở gây ô nhiễm mới phát sinh và mới chỉ xử lý được 10 cơ sở, đạt 20%. Chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy được duy trì và đã có những cải thiện bước đầu. Một số đoạn sông ô nhiễm nặng đã được nạo vét, trồng các bè thủy sinh. Trên toàn lưu vực, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới đạt 65%. Theo đánh giá, các tỉnh, thành vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề ra. Việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên lưu vực vẫn chưa được nhân rộng, mới chỉ dừng lại ở các đô thị lớn như Hà Nội, Phủ Lý.
Hà Nội tập trung triển khai nhiều dự án
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh cho biết: Thời gian qua, UBND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhiều công trình xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó có trạm xử lý nước thải tại làng nghề cơ khí Rùa Hạ - Rùa Thượng (Thanh Oai) công suất 1.000m3/ngày đêm. Năm 2015, TP Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án xử lý chất thải rắn ở Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và nhà máy xử lý rác thải Phương Đình (Đan Phượng)... Năm 2016, TP sẽ tập trung nguồn lực đầu tư triển khai các dự án (DA) xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực, gồm: 2 nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung quy mô lớn tại Yên Xá và Phú Đô. Tiếp tục triển khai 5 DA xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại tại huyện Hoài Đức, Thanh Oai và quận Nam Từ Liêm. Triển khai 2 DA cải tạo, nâng cấp trục hệ thống thủy lợi sông Nhuệ. Hoàn thành các DA trạm bơm thủy lợi, nạo vét lòng dẫn sông Đáy. Khơi thông dòng chảy trên sông Nhuệ - sông Đáy để phục vụ tưới tiêu và giảm thiểu ô nhiễm.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, Hà Nội kiến nghị Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn chi tiết nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế của T.Ư và địa phương cụ thể ưu tiên cho các DA đầu tư cho lưu vực sông Nhuệ - Đáy; Bộ TN&MT và Ủy ban sông Nhuệ - Đáy sớm thực hiện lập quy hoạch tổng thể lưu vực sông Nhuệ - Đáy, nghiên cứu bổ sung quy chế hoạt động của Ủy ban sông Nhuệ - Đáy nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ - nâng cao trách nhiệm của các thành viên; Bộ NN&PTNT hướng dẫn và bố trí kinh phí từ nguồn của T.Ư đầu tư cho các DA…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho rằng: Đề án giai đoạn 2011 - 2015, còn nhiều mục tiêu chưa đạt được. Trong quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đặc biệt là việc huy động nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước các dòng sông. Điều đó cho thấy, để đạt được các mục tiêu của Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, cần tiếp tục có sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực của các tỉnh, TP trên lưu vực.