Đây là số liệu kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 01/CTr – UBND ngày 17/1/2022 của UBND TP Hà Nội về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2022.
Xảy ra 206 vụ cháy, cứu được 44 người
Theo đó, tính từ 15/12/2021 đến 14/6/2022, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 206 vụ cháy, 12 người chết, 10 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng. Loại hình xảy cháy là nhà dân đơn lẻ, nhà kho, xưởng sản xuất, hộ gia đình kết hợp kinh doanh...
Về nguyên nhân chủ yếu do sự cố, hệ thống thiết bị điện 134 vụ (chiếm 64,56%); sơ xuất do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 6 vụ; đốt 4 vụ; tai nạn giao thông 2 vụ; sự cố kỹ thuật máy móc 1 vụ; đang điều tra làm rõ 60 vụ.
Tình hình cứu hộ, cứu nạn (CNCH), lực lượng chức năng đã tiếp nhận 116 tin báo CNCH. Trong đó, mắc kẹt 22 vụ, đuối nước 17 vụ, tự tử 31 vụ, cứu hộ giao thông tai nạn 13 vụ… Tham gia tổ chức CNCH 91 vụ và cứu được 44 người, tìm được 26 thi thể.
Các Sở ban ngành của TP, UBND các quận huyện, thị xã bám sát nhiệm vụ trọng tâm, công tác điều tra cơ bản, rà soát, thống kê, nắm tình hình đối với địa bàn, cơ sở được các đơn vị thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành được tăng cường (đạt 130% so với chỉ tiêu đăng ký).
Lực lượng chức năng kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ các công trình vi phạm theo quy định và công khai danh tính chủ đầu tư, tên, địa chỉ công trình vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, giám sát thực hiện. Đối với các chủ đầu tư chây ì, công trình vi phạm có nguy cơ gây cháy, nổ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, báo cáo chuyển cơ quan điều tra nghiên cứu, xem xét đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật; qua đó không để phát sinh các công trình vi phạm và từng bước kéo giảm công trình vi phạm đang tồn tại.
Công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu được các đơn vị duy trì, thực hiện nghiêm túc; công tác tiếp nhận, xử lý thông tin đảm bảo thông suốt, kịp thời; sự hiệp đồng, phối hợp trong công tác tổ chức chữa cháy được các đơn vị thực hiện hiệu quả.
Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã làm tốt tham mưu xây dựng, ban hành, triển khai các chỉ thị, kế hoạch về tăng cường các biện pháp PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô, từ đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, người đứng đầu đơn vị, cơ sở…
Luôn chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Về công tác triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhấn mạnh 7 yêu cầu đối với lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính về PCCC&CNCH.
Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, được lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm, do đó phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cùng Công an các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đúng và trước thời hạn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, tình hình kinh tế xã hội nói chung và trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng được dự báo tiếp tục phát triển, số lượng các loại hình cơ sở quản lý về PCCC tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt, hanh khô, hạn hán, mưa lũ vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường làm ảnh hưởng, tác động đến tình hình triển khai các nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH…
Do đó, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022 là tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ PCCC và CNCH luân phiên theo hình thức tập trung cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thành phố. Cùng với việc thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn thành phố để chủ động trong công tác chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND Thành phố quan tâm đầu tư phát triển các công trình cấp nước chữa cháy tại các địa bàn, khu vực còn thiếu nhằm đảm tốt công tác chữa cháy khi có tình huống xảy ra.