Nguy cơ lây lan dịch bệnh còn rất lớn
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thảo luận một số biện pháp mạnh mẽ hơn, nhất là đối với TP Hồ Chí Minh khi mà hôm nay công bố một số ca mắc mới trong cộng đồng tại thành phố đông dân cư này. Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế báo cáo các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp thì càng phải bình tĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xử lý kiên quyết.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 25/1/2021 đến nay đã ghi nhận 451 trường hợp mắc trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố.
Ngày 8/2/2021, đã ghi nhận 5 trường hợp mắc mới, tại Hà Nội (2), Quảng Ninh (3) đều có liên quan đến ổ dịch tại Công ty POYUN (Chí Linh, Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và 28 trường hợp mắc tại TPHCM liên quan ổ dịch phát hiện tại khu bốc dỡ hàng hóa, sân bay Tân Sơn Nhất.
Đối với ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ 7.300 nhân viên sân bay và đã phát hiện BN1979 đầu tiên và 4 trường hợp dương tính (2002-2005) được ghi nhận sáng 8/2/2021. Tiếp tục điều tra mở rộng các trường hợp tiếp xúc gần và xác định nguồn lây nhiễm, đã ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính mới, nhiều khả năng đã lây lan trong cộng đồng từ trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại 2 địa bàn bùng phát dịch là Quảng Ninh, Hải Dương và hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong 4 ngày gần đây đã ghi nhận số ca mắc mới có xu hướng giảm, hầu hết các trường hợp mắc là các trường hợp đã được cách ly tập trung. Ngoài 2 tỉnh (Hải Dương, Quảng Ninh), hằng ngày vẫn ghi nhận ca mắc mới là các trường hợp đã được cách ly tập trung, các tỉnh Hòa Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh trong 1 tuần qua không ghi nhận ca mắc mới; Điện Biên, Hà Giang hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc mới từ 5/2/2021 đến nay.
Hà Nội, Bình Dương, Gia Lai đang thực hiện truy vết, khoanh vùng triệt để và vẫn ghi nhận các ca mắc mới rải rác. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khi vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ổ dịch phát hiện tại khu vực bốc dỡ hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất chưa rõ nguồn lây.
Trước diễn biến dịch khá phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị, TP HCM cần tăng tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, khẩn trương thực hiện khoanh vùng nhanh, lấy mẫu triệt để trên diện rộng các trường hợp có liên quan đến trường họp mắc bệnh tại nơi làm việc, khu vực sinh sống.
Xác định các trường hợp nhân viên bốc dỡ hàng hóa tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và thành viên gia đình của các nhân viên là các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh. Xác định các khu vực nguy cơ lây lan dịch bệnh cao để áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người (Chỉ thị 15) hoặc giãn cách xã hội (Chỉ thị 16) theo phạm vi phù hợp.
Nâng mức độ cảnh báo về công tác phòng, chống dịchPhát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP cho biết, trong các ngày 7-8/2, tại Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc mới. Cụ thể: BN2009 N.T.K.A (28 tuổi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm). Bệnh nhân là F1 của BN1722 (phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm), F2 của BN1694 (Nhà máy Z153). Đến nay, đã xác minh được 4 trường hợp F1 (đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm). Kết quả xét nghiệm: 2 ca dương tính là BN sinh năm 2020 – con gái BN2009 và bệnh nhân H.T.N (sinh năm 1971 - người giúp việc của BN2009). Hiện đang tiếp tục điều tra các trường hợp có liên quan.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP phát biểu |
Trong thời gian tới, để khống chế dịch, phải nâng mức độ cảnh báo về công tác phòng, chống dịch. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy và UBND TP. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiếu 1m khi tiếp xúc, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thực hiện khai báo y tế theo quy định. Đặc biệt, người dân phải tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế, khi thuộc diện F1, hoặc các đối tượng có liên quan khác cần phải chủ động khai báo kịp thời để được cách ly, lấy mẫu theo quy định. Khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi... phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời. Cùng đó, phải dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người chưa cần thiết. Không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Hạn chế sự đi lại trong dịp Tết. Các nhà xe, chủ các phương tiện giao thông công cộng phải thực hiện việc ghi chép đầy đủ thông tin hành khách di chuyển trên các tuyến liên tỉnh, đặc biệt là hành khách đi và đến từ các tỉnh, thành đang có dịch bệnh ngoài cộng đồng để khi cần thiết có thể truy vết kịp thời.Tăng cường công tác giám sát dịch, trước mắt sẽ tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại các khu vực có nguy cơ. Khi phát hiện các ca mắc mới cần triển khai kịp thời công tác cách ly, bao vây khoanh vùng xử lý ổ dịch và những địa điểm liên quan. Đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc”, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong thời gian ngắn nhất. Các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân luồng, khám sàng lọc, tăng cường xét nghiệm để phát hiện kịp thời ca bệnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh. Có phương án bảo đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, người bệnh, đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người có bệnh lý nên; một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 1 người chăm sóc. Thực hiện nghiêm bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế.Các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tại địa phương tiến hành “đi từng ngõ, ngõ từng nhà” để rà soát và quản lý toàn bộ những người đi về từ vùng có dịch, những người liên quan đến các ca bệnh và những trường hợp nhập cảnh trái phép để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn duy trì triển khai hoạt động của tổ giám sát cộng đồng để thực hiện rà soát, nhắc nhở, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình. “Đối với một số trường hợp cố tình không khai báo trung thực, các cơ quan phải xử phạt nghiêm theo quy định mà mới đây Hà Nội đã công bố xử phạt 15 hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19” - Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.