Thứ nhất, đây là biến chủng mới (trong đó có biến chủng Delta) lây lan rất nhanh, lây trong thời gian rất ngắn.
Thứ hai, đối với người dân, lúc đầu người dân hợp tác bài bản nhưng sau đó có những nơi, một số người dân không hợp tác, không chấp hành nghiêm công tác chống dịch. Có những người dân sợ lây không ra lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hoặc lúc đầu nhiều người dân không tiêm vaccine.
Chính từ những điểm khác biệt ấy nên đợt dịch này, cách làm của Hà Nội cũng sẽ khác, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Trước đó, cứ nói đến F0 là người dân lo lắng nhưng nay thì khác. Bởi vì trong 100 ca F0, có 80 người bình thường, 20 người có triệu chứng (trong đó, chỉ có 5 ca ở thể nặng). Tuy nhiên, nhìn từ TP Hồ Chí Minh nên có những thời điểm Hà Nội làm rất quyết liệt.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho rằng, việc xuất hiện một số ca F0 cộng đồng liên quan đến bệnh viện này đều nằm trong dự đoán, không có điều bất ngờ. Thực tế, từ trước tới nay, không chỉ với Bệnh viện Việt Đức mà tất cả các bệnh viện đều có nguy cơ rất cao.
Vừa qua, Hà Nội phần lớn phát hiện những trường hợp sốt, ho, khó thở, xét nghiệm dương tính. Nên khi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xuất hiện những ca F0, không có gì đáng ngại. Bởi chúng ta đã vào cuộc kịp thời, triển khai khoanh vùng rất nhanh. Đến sáng 3/10, tại Hà Nội có 25 ca Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chủ yếu nằm ở Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng tầng sinh môn (tầng 7 nhà D của bệnh viện). Thực chất, bệnh viện chỉ khoanh những vùng có liên quan, còn các nơi khác vẫn phải hoạt động, khám chữa bệnh bình thường. Hiện nay có nhiều bệnh viện vừa điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa khám chữa bệnh bình thường.
“Tôi cho rằng, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng rất quyết liệt, khẳng định là không có “Zero Covid”, công tác chống dịch phải linh hoạt, hiệu quả, an toàn và người dân vẫn phải là trung tâm. Chống dịch thành công hay không là do người dân. Quan trọng là ý thức của người dân, đeo khẩu trang, tránh những nơi đông người, ý thức ngay cả khi đi thang máy. Bởi vì chúng ta phải hiểu được cơ chế của bệnh lây. Bệnh Covid-19 là lây trực tiếp từ những giọt nước bọt bắn ra, lây gián tiếp qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh và lây trong buồng kín (phòng điều hòa, ô tô, khoang máy bay kín), chứ không phải lây qua không khí” - PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lưu ý.
Đồng thời, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, để chống dịch thành công, trước hết vẫn phải là ý thức người dân thực hiện tốt 5K, đồng thời người dân cố gắng tiêm vaccine sớm, điều này rất quan trọng. Người dân không nên có tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine. “Chúng ta đang cố gắng miễn dịch cộng đồng, 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Thực tế, những người tiêm đủ 2 mũi tiêm vaccine vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 và lây cho người khác. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Mục tiêu quan trọng nhất của dịch bệnh là chữa được và không tử vong, đó là thành công. Trong tháng 10, 11 tới, Hà Nội cố gắng tiêm đủ mũi 2 cho người dân toàn TP. Hiện nay, công tác chống dịch cơ bản vẫn phải chủ động phát hiện sớm, truy vết tốt, xử lý F0 thật tốt. Vì hiện nay, do chưa đủ vaccine nên chúng ta chỉ có thể nới lỏng và vẫn phải thực hiện 5K và các qui định phòng chống dịch. Nếu lơ là, sẽ phải trả giá” - PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.