Ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông
Bão số 3 Yagi quét qua Hà Nội, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu, hạ tầng giao thông.
Theo Sở GTVT Hà Nội, để ứng phó với bão số 3, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đường thủy, đèn tín hiệu giao thông, bảo đảm công tác trực 24/24h, thường xuyên cập nhật tình hình giao thông, các vị trí xảy ra ngập úng, các hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn giao thông theo kế hoạch và kịch bản đã được Sở GTVT Hà Nội xây dựng, tránh để bị động trong mọi tình huống.
Bố trí lực lượng, các phương tiện, trang thiết bị đã được trang cấp, tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ - Vật tư tại chỗ - Phương tiện tại chỗ - Hậu cần tại chỗ”.
Đáng chú ý, theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn toàn thành phố đã xảy ra tổng số 1.257 sự cố, hư hỏng về kết cấu hạ tầng giao thông (1.045 sự cố về đường bộ; 164 sự cố về đèn tín hiệu giao thông), Sở đã chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông khẩn trương xử lý, khắc phục sửa chữa các hư hỏng để bảo đảm an toàn giao thông và giao thông thông suốt.
Bên cạnh đó có tổng số 61 tuyến phố do TP Hà Nội quản lý bị cây đổ ngang đường gây cản trở giao thông, khiến các phương tiện không lưu thông qua được. Ban Duy tu đã thông báo cho cơ quan chức năng và phối hợp với các đơn vị quản lý cây xanh tiến hành xử lý đảm bảo giao thông đi lại được thông suốt.
Trên địa bàn Thành phố cũng có có 149 vị trí ngập nước trên 118 tuyến đường do Thành phố quản lý. Có 202 nút giao thông gặp sự cố về đèn tín hiệu và một số cây cầu cầu Đông Yên, Đông Thượng, Bãi Tích 1, Bãi Tích 2, Bãi Tích 3 trên địa bàn huyện Quốc Oai; cầu 72 II trên địa bàn huyện Hoài Đức; cầu Chiền trên địa bàn huyện Sóc Sơn… bị ngập lụt.
Khẩn trương khắc phục sự cố
Sở GTVT Hà Nội đã tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông nguyên nhân do hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố không xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Ông Lê Hữu Hồng – Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết: “Đến sáng ngày 13/9, Ban đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã giải quyết xong 1.055 sự cố, trong đó có 595 sự cố liên quan đến cây đổ ra đường; 433 sự cố liên quan đến biển báo, thiết bị đảm bảo ATGT trên đường; 27 sự cố liên quan đến các đơn vị khác (cáp viễn thông, dây điện, biển quảng cáo, chiếu sáng, thoát nước,...), các đơn vị quản lý đường đã báo cho đơn vị chủ quản khắc phục, xử lý”.
Đối với các sự cố về đèn tín hiệu giao thông có 202 nút gặp sự cố trong đó 196 nút đèn đã khắc phục xong và đèn đã hoạt động bình thường. Hiện còn 6 nút đèn đang khắc phục.
Theo ông Lê Hữu Hồng, đối với các vị trí ngập nước, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà NộI đã phối hợp với các đơn vị quản lý thoát nước và các cơ quan chức năng huy động công nhân để khơi thông cửa xả, cửa thu, đánh rãnh ngang để nước sớm thoát tại các vị trí này.
Đến ngày 13/9, có 97/148 vị trí nước đã rút bớt các phương tiện có thể lưu thông được. 52 vị trí còn ngập nước các phương tiện không di chuyển qua được.
Ban Duy tu đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý đường bộ cắm biển cảnh báo tại các vị trí ngập sâu tại các vị trí không lưu thông được và phối hợp với các lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng cho người dân có phương án di chuyển cho phù hợp.
Đối với các vị trí đã có thông báo phân luồng của Sở Giao thông vận tải, Ban Duy tu đã chỉ đạo nhà thầu quản lý đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng thông báo phân luồng của Sở Giao thông vận tải.
Đối với các vị trí còn lại Ban Duy tu đã chỉ đạo nhà thầu quản lý đường bộ căn cứ vào diễn biến tình hình thực tế mực nước trên các tuyến đường, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, đề xuất Sở GTVT ra thông phân luồng hạn chế các phương tiện lưu nếu cần thiết.
“Ngay sau cơn bão số 3, có tổng số 61 tuyến phố do Thành phố quản lý bị cây đổ ngang đường gây cản trở giao thông, khiến các phương tiện không lưu thông qua được. Ban Duy tu đã thông báo cho cơ quan chức năng và phối hợp với các đơn vị quản lý cây xanh tiến hành xử lý đảm bảo giao thông đi lại được thông suốt. Đến thời điểm hiện tại tất cả các điểm cây xanh ngã, đổ gây cản trở giao thông đã cơ bản được xử lý” – ông Lê Hữu Hồng thông tin.