Tại vùng rốn lũ xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, nước sông Lam rút chậm, toàn xã hiện vẫn còn 422 hộ dân bị ngập và cô lập hoàn toàn. Những ngày qua, hàng trăm người dân nơi đây phải tránh trú tại các nhà văn hóa cộng đồng để đảm bảo an toàn tính mạng khi mưa lũ ập đến.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh cho biết, hiện tại nước lũ đang rút chậm, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân nước rút đến đâu khắc phục hậu quả đến đó. Trước mắt tập trung vệ sinh môi trường, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh sau lũ.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay bên cạnh các xã ngoài đê La Giang của huyện Đức Thọ như: Tùng Châu, Liên Minh, Quang Vĩnh… bị ngập nặng thì tại một số xã ở huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Vũ Quang vẫn còn hàng trăm hộ dân bị ngập và cô lập. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, thuyền và bè phao là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân vùng lũ.
“Nước lũ rút chậm, nhiều tuyến đường liên thôn bị ngập, chia cắt. Vậy nhưng rất may, nhờ chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm nên gia đình vẫn ổn định cuộc sống, sinh hoạt nếu mưa lũ còn kéo dài trong nhiều ngày tới” - một người dân ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân chia sẻ.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Việt Đức thông tin, các hồ chứa nước ở địa phương đang vận hành an toàn. Giao thông trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở đã được xử lý, thông tuyến đảm bảo cho người và phương tiện qua lại (trừ Quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân vẫn đang bị ngập). Hiện, các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhân dân vùng lũ tiếp tục thực hiện phương án ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do lũ lụt gây ra.