Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Hiệp sĩ "rẽ" lũ giữ cứu người

Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Suốt bốn ngày không có gì ăn ngoài mì tôm sống, quần áo mặc mỗi một bộ, hầu như không ngủ, nhưng chúng tôi chỉ nghĩ được là chậm một tí thì trể mất …”, anh Việt nhớ lại những ngày rẽ lũ dữ cứu người.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, các khu vực hạ lưu hồ Kẻ Gỗ thuộc huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) hầu như bị ngập sâu trong trong biển nước. Nước lũ dâng lên quá nhanh đã khiến người dân “trở tay không kịp”, chỉ biết trốn lên nóc nhà cầu cứu, tất cả tài sản đều bị dòng lũ nhấn chìm. Và cũng là lúc những ngư dân miền biển khoác lên mình tấm áo choàng của “hiệp sĩ”, mang thuyền đánh cá tiến vào vùng ngập lũ ứng cứu đồng bào mình.
Thuyền miền xuôi cứu người miền ngược
Cũng như nhiều người khác, vào chiều ngày 18/10, đang tất tả với chiếc thuyền neo đậu nơi cửa biển của mình, anh Phan Xuân Việt (SN: 1977, thôn Rạng Đông, xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận được cuộc gọi từ lãnh đạo xã, gấp rút cùng mấy người trong xã chuẩn bị lên vùng lũ cứu người. Tối đó, dưới ánh điện mập mờ anh chỉ kịp nói qua với vợ rồi vơ vội lấy bộ quần áo, lái thuyền chuyên đi biển vào vùng lũ.
“Khoảng 22 giờ ngày 18/10, cả thôn có tất cả 5 thuyền cùng xuất phát, đến 1 giờ sáng ngày hôm sau chúng tôi tập trung tại UBND huyện Cẩm Xuyên, để đi cứu người dân bị mắc kẹt trong lũ. Tôi còn nhớ lúc đó là 3 giờ sáng thì bắt đầu tiếp cận được những người dân đầu tiên, khi đó trước mắt chúng tôi đã mênh mông nước”, anh Việt nói.
Trong bốn ngày cứu trợ người dân vùng lũ anh Phan Xuân Việt chỉ ăn mì tôm, hầu như không ngủ.
Đây là lần đầu tiên anh Việt cùng nhóm của mình (gồm 3 người) đi cứu trợ trên vùng đồng bằng. Do không thông thạo địa hình cộng với việc lái thuyền trên nước ngọt không quen nên việc di chuyển vô cùng khó khăn. Thuyền của anh thường xuyên bị va chạm và mắc kẹt vào hàng rào, cột bê tông của nhà dân vì nước lũ dâng lên cao phủ hết nên không dễ quan sát.
Chỉ tay vào mũi thuyền vừa mới sửa lại, anh Việt cho biết, đi thuyền trong nước lũ khó khăn hơn so với trên biển. Mũi thuyền bị va chạm nhiều quá dẫn đến bị gãy, hai mạn thuyền cũng bị thủng nhiều chỗ, chỉ mệt mỗi cái là chân vịt bị mắc kẹt do cuốn phải dây thép gai. Khi đó chúng tôi lại phải lặn xuống gỡ ra mới có thể chạy tiếp. Nhớ lại những ngày rẽ lũ cứu người, anh Việt nở nụ cười nhân hậu: “người dân toàn trèo lên nóc nhà sau đó kêu lớn chúng tôi mới thấy được, có nhiều nhà mình phải tốc mái chui vào. Thương nhất là mấy cụ già và trẻ em, phải bế họ từ trên nóc nhà xuống, nhìn họ chịu đói, chịu rét mấy ngày anh em chúng tôi cũng rơi nước mắt”.
Việc dùng thuyền đánh cá đi cứu người trong lũ gắp không ít khó khăn, tuy thuyền chở được 20 người, nhưng lại vừa chở, vừa cứu người lại phải di chuyển chậm. Song, cùng với sự nỗ lực của anh Việt cùng “đồng đội”, mỗi ngày chở được từ 6 đến 8 chuyến với hàng trăm người đã được cứu ra khỏi dòng lũ.
Chiếc thuyền đánh cá đã bị hư hỏng nặng, anh Việt đang sửa chữa để chuẩn bị ra khơi. 
“Nước ngập lên đến nóc nhà, chúng tôi chỉ biết ngồi trên mái nhìn dòng nước chảy xiết vừa kêu lớn xem có ai đi thuyền không xin họ đi nhờ. Chiều hôm ấy trong dòng nước chảy xiết, chúng tôi may mắn gặp được anh Việt cứu ra. Sau đó, suốt nhiều ngày anh ấy đều lái thuyền đưa thức ăn và nước uống đến trao tận tay, nhìn ai nấy cũng ướt sũng chúng tôi chỉ biết “ghi lòng tạc dạ”, một người dân tại xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) nói.
Tình người trong lũ
Trong câu chuyện của mình, anh Việt cho rằng, tôi thấy người dân bị mắc kẹt giữa dòng lũ thương quá, cứu một người còn hơn xây tòa tháp bảy tầng. Mình có sức khỏe, lại biết bơi, thuyền chở được nhiều người, còn chần chừ thì ai cứu người ta. Cũng theo anh Việt, hầu như những người tham gia cứu nạn đều phải ăn mì tôm sống, suốt 4 ngày chỉ mặc một bộ quần áo, điện thoại thì bị hư hỏng hết do ngâm nước. Nhưng ai cũng cố gắng hết sức để giúp bà con đến được nơi an toàn.
Cùng tham gia trong nhóm cứu hộ, anh Nguyễn Tiến Liên (SN: 1976) cho biết, giữa lũ lớn lên nhanh, cả một vùng trời toàn là nước trắng xóa chỉ thấy một vài nóc nhà. Có cụ già bị ướt hết do nhà gặp lũ, tôi đã cởi áo nhường cho cụ mặc. Suốt nhiều ngày chúng tôi chỉ ăn mì tôm sống, ở đâu nghe kêu cứu là chúng tôi lại đến.
Sau khi đã cứu xong hầu hết người dân, di chuyển họ đến nơi an toàn, ngày 22/10, anh Việt lại cùng những người anh em dùng thuyền vận chuyển lương thực và nước uống đưa đến tận tay người dân. Một lần nữa anh lại cứu họ khỏi cái đói, cái rét, nhìn con thuyền của anh cứ nhấp nhô đối đầu với dòng lũ khiến ai cũng phải thán phục.
Bên câu chuyện của chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thủy (SN: 1979, vợ anh Việt) lo lắng nói , “Vừa nghe nói đi cứu người gì đó xong, tối đó anh ấy không chuẩn bị gì vội đi luôn. Suốt ba, bốn ngày không hề liên lạc được, chỉ nghe thông tin của chồng từ mấy người trên xã, như vậy thì ai mà yên tâm được”.
Anh Nguyễn Tiến Liên đã chịu lạnh nhường áo cho một cụ già khi tham gia cứu trợ.
Trong đợt lũ dữ vừa qua, không chỉ mình anh Việt mà còn rất nhiều người dân khác tại vùng biển thuộc huyện Cẩm Xuyên đã mang thuyền đánh cá của mình lao vào vùng lũ để cứu người dân gặp khốn khó. Để cứu người, những ngư dân này đã không màng hiểm nguy, vất vả, xuyên ngày đêm giúp dân chạy lũ.
Phó Chủ tịch huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh cho biết, trước tình hình nước lũ lên nhanh cộng với việc hồ kẻ gỗ tiến hành xả lũ, từ ngày 18 đến ngày 19/10, huyện đã chủ động điều động lực lượng chức năng cùng ngư dân  ứng cứu, sơ tán người dân ra khỏi vùng thấp trũng và vùng nguy hiểm. Có được sự chủ động như vậy nên đã hạn chế thấp nhấp thiệt hại về người.
“Cẩm Xuyên là huyện trọng điểm lũ lụt, trong mưa lũ hành động dùng thuyền đánh cá cứu người của các ngư dân rất đáng được trân trọng. Sắp tới huyện sẽ khen thưởng đối với từng cá nhân đã tham gia cứu hộ.”, ông Phạm Hoàng Anh nói.
Những chiếc thuyền đánh cá vào lúc đồng bào nguy nan lại cởi lớp áo chát mặn của biển, vừa kịp thời cứu người vừa đưa lương thực, nước uống đến các vùng cô lập, tiếp tế cho bà con nhân dân. Khi lũ rút, những chiếc thuyền này lại lặng lẽ trở về với biển, họ là thế “những anh hùng thầm lặng”.