Gần đây dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng tại Hà Tĩnh đã có 213 con lợn bị ốm chết, buộc phải tiêu hủy với khối lượng trên 16 tấn.
Gia đình chị Thái Thị Xuân ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang hiện nuôi 70 con lợn thịt và 5 con lợn nái sinh sản. Để đảm bảo an toàn, chị Xuân đã chủ động các phương án phòng chống dịch, tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, bổ sung thêm khẩu phần ăn nhằm tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
“Đàn lợn thịt trọng lượng bình quân khoảng 45-50kg, dự kiến trước tết Nguyên đán sẽ xuất chuồng. Chăn nuôi lợn mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy việc quan trọng là phải phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế”, chị Thái Thị Xuân cho biết.
Dịp tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. Do vậy, việc kiểm soát, khống chế dịch tả lợn châu Phi là yếu tố quan trọng để đảm bảo tăng trưởng tổng đàn, đáp ứng nguồn cung thịt lợn trên thị trường. Ngoài ra, kiểm soát dịch bệnh sẽ tạo tâm lý yên tâm cho người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Toàn xã hiện có trên 5.500 con lợn, trong đó có 2 trang trại chăn nuôi tập trung, còn lại là chăn nuôi nông hộ. Hiện nay, về cơ bản đàn lợn đang phát triển ổn định, chưa có dịch tả lợn châu Phi. Địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, chăn nuôi an toàn, chủ động nguồn cung thịt lợn dịp tết”, ông Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc thông tin.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Hoàng Thị Ngọc Diệp cho biết, dịch tả lợn châu Phi tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ dịch bệnh có chiều hướng gia tăng.
"Dịp cuối năm và tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng cao. Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyền, nâng cao ý thức cho người dân về phòng chống dịch tả lợn châu Phi; tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật nói chung, thịt lợn nói riêng đảm bảo thực phẩm sạch, an toàn, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật", bà Hoàng Thị Ngọc Diệp cho biết.
Kiểm soát, khống chế dịch tả lợn châu Phi là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế cho người chăn nuôi, tạo tâm lý yên tâm đối với người tiêu dùng thịt lợn. Với tỉnh Hà Tĩnh, công tác phòng chống dịch đang được ngành thú y và các địa phương tăng cường, góp phần đảm bảo chăn nuôi an toàn, ổn định, chủ động nguồn cung thịt lợn dịp tết Nguyên đán.