Nhan nhản bẫy chim di cư
Thời gian này, tại các đồng ruộng ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân rất dễ bắt gặp hàng loạt phương tiện, dụng cụ đánh bắt chim di cư trái phép. Dụng cụ đánh bắt, bẫy chim chủ yếu là cò giả được làm bằng xốp, que nhạ, chim mồi còn sống, lưới, máy phát tín hiệu… Những dụng cụ đánh bắt, dụ dỗ chim di cư được ví như “thiên la, địa võng” tận diệt chim trời.
“Cò giả cắm trắng đồng, bẫy chim muôn hình, muôn vẻ. Các loài chim di cư từ biển vào hễ đậu xuống đất, hoặc cành cây là dính bẫy, không còn lối thoát. Mùa mưa bão thường nông nhàn, nghề đi biển gặp nhiều khó khăn, do vậy đánh bắt chim di cư đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người”, ông Nguyễn Văn T ở xã Cương Gián cho biết.
Tình trạng săn bắt, bẫy chim di cư diễn ra nhan nhãn tại các đồng ruộng và ở những nơi có lùm cây, bụi rậm chim thường ẩn nấp. Các dụng cụ săn bắt, bẫy chim giăng mắc khắp nơi cũng đồng nghĩa mỗi ngày sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con chim di cư bị tiêu diệt. Săn bắt, bẫy chim di cư tuy mang lại nguồn thu nhập cho một bộ phận người dân, nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của các loài chim hoang dã và bảo vệ môi sinh, môi trường.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Hà cho biết, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam với các nhà hàng, hộ kinh doanh tại các chợ và người dân không mua bán, giết mổ, chế biến, tiêu thụ chim di cư tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, bẫy chim di cư vẫn diễn ra, chưa thể ngăn chặn triệt để.
“Lực lượng kiểm lâm và công an xã đã ra quân thu gom, tiêu hủy rất nhiều phương tiện, dụng cụ đánh bắt chim di cư. Đối tượng đánh bắt trái phép rất khó phát hiện, có thể là người từ nơi khác về. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm quyết liệt hơn, tập trung theo dõi, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Hoàng Văn Hà thông tin.
Đâu là giải pháp khả thi?
Mùa mưa bão, chim di cư xuất hiện rất nhiều trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, tại các huyện ven biển như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…được cho là những nơi chim di cư về nhiều nhất. Các loài chim di cư trong đợt này chủ yếu là cò, cói, diệc và một số loài khác.
Qua tìm hiểu được biết, thực hiện Chỉ thị số 29 và Chỉ thị số 04 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và các văn của Bộ NN&PTNT, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài chim di cư tự nhiên.
Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, Chi cục Kiểm lâm, các cơ quan, địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư tự nhiên, đồng thời xử lý một số trường hợp vi phạm.
Thống kê sơ bộ, đến thời điểm này riêng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân đã tháo dỡ, tiêu hủy hơn 1.600 con chim giả, 5.445 m2 lưới, 7.710 que nhạ, 4 bộ máy phát tín hiệu, 345 chim mồi còn sống. Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà tháo dỡ, tiêu hủy 6.750 que nhạ, 3.050m2 lưới, 617 con chim giả, tổ chức ký 114 bản cam kết với các nhà hàng, hộ kinh doanh và người dân không mua bán, giết mổ, chế biến, tiêu thụ, tàng trữ trái pháp luật các loài động vật hoang dã, chim di cư tự nhiên.
Tại buổi làm việc với phóng viên Kinh tế và Đô thị, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà Nguyễn Xuân Mận cho biết, trước mùa mưa bão đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động tham mưu với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim di cư tự nhiên. Phối hợp với công an, bộ đội biên phòng tổ chức ra quân tháo dỡ, tiêu hủy nhiều phương tiện, dụng cụ đánh bắt chim di cư.
“So với những năm trước, năm nay tình trạng săn bắt trái phép chim di cư có giảm nhưng vẫn chưa triệt để. Nguyên nhân, lực lượng mỏng, đôi khi không làm được thường xuyên, liên tục, hoạt động săn bắt lại thường diễn ra vào đêm tối, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Chứng cứ để xử phạt phải rõ ràng, cụ thể vì nhiều khi gặp người có hành vi săn bắt chim di cư, nhưng họ chỉ nói là đi làm đồng, không nhận đánh bẫy”, ông Nguyễn Xuân Mận lý giải.
Mùa mưa bão, tình trạng săn bắt, bẫy chim di cư tại Hà Tĩnh, nhất là vùng ven biển diễn ra khá phổ biến. Hy vọng rằng, việc đấu tranh, ngăn chặn săn bắt chim di cư sẽ được các lực lượng chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ sự sinh trưởng, phát triển của các loài chim hoang dã, nâng cao công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.