Hạ viện Mỹ ủng hộ giải mật thông tin tình báo về nguồn gốc Covid-19

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Mỹ đã tiến hành một cuộc tranh luận về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 kể từ khi các trường hợp đầu tiên ở người được báo cáo tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu bà Avril Haines giải mật thông tin tình báo về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu bà Avril Haines giải mật thông tin tình báo về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters đưa tin Hạ viện Mỹ hôm 10/3 đã bỏ phiếu thông qua dự luật yêu cầu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Avril Haines giải mật các thông tin tình báo về nguồn gốc dịch Covid-19, động thái gia tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Joe Biden về vấn đề gây tranh cãi này.

Dự luật trên nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của các thành viên Hạ viện với tỷ lệ 419 phiếu thuận và 0 phiếu chống. Thượng viện Mỹ hôm 1/3 cũng đã nhất trí thông qua, dự luật giờ đây sẽ chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Biden ký duyệt hoặc phủ quyết.

Ông Mike Turner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho biết: "Người dân Mỹ cần biết tất cả khía cạnh, bao gồm cách thức virus hình thành và đặc biệt là sự xuất hiện của nó có liên quan tới phòng thí nghiệm hay không”.

Cuộc tranh luận về nguồn gốc Covid-19 luôn là chủ đề gây tranh cãi không chỉ bên trong nước Mỹ mà còn giữa Washington và Bắc Kinh. Hồi tháng 2 vừa qua, tờ The Wall Street Journal dẫn một báo cáo cho hay Bộ Năng lượng Mỹ đã kết luận "với mức tự tin thấp” rằng đại dịch Covid-19 có khả năng phát sinh từ một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Sau đó, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cũng cho biết FBI tin rằng đại dịch Covid-19 có khả năng xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận báo cáo của Mỹ về khả năng virus SARS-COV-2 gây đại dịch Covid-19 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm, cáo buộc Washington “lan truyền thông tin hoang đường” mà không có "bằng chứng xác đáng".

"Với cách lặp lại giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, Mỹ chẳng thể làm mất uy tín của Trung Quốc mà chỉ tự làm tổn hại uy tín của chính mình" - Reuter trích tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tại cuộc họp báo ngày 1/3.

Bà Mao Ninh nói thêm sự tham gia của FBI trong vấn đề này đủ là bằng chứng cho thấy Mỹ "chính trị hóa" việc truy tìm nguồn gốc Covid-19. Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ "tôn trọng khoa học và sự thật".

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom ngày 3/3 cho biết WHO vẫn đang làm việc để xác định nguồn gốc của đại dịch, nói rằng “WHO không từ bỏ bất kỳ kế hoạch nào nhằm xác định nguồn gốc Covid-19”.

Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, khiến gần 7 triệu người chết, làm gián đoạn hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch toàn cầu.