Trả lời:
Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nhằm bảo đảm cho quyền tự do của mỗi cá nhân đều được tôn trọng và được bảo vệ. Trường hợp người khác chiếm đoạt quyền kiểm soát facebook và đưa những bí mật đời tư công khai lên mạng xã hội, tùy theo tính chất mức độ, động cơ vi phạm, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông theo Khoản 1, Điều 80, Nghị định 15/2020 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, theo Điều 288, Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, người có bí mật đời tư bị vi phạm có quyền yêu cầu người vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần do quyền nhân thân bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592, Bộ luật Dân sự 2015.
Điều 80, Nghị định 15/2020 quy định rõ mức phạt từng hành vi vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng. Cụ thể: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi “bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng”. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép; Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng. Người vi phạm còn có thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 điều này.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh