Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai biện pháp giúp ASEAN tự cường trong cán cân quyền lực khu vực

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) khẳng định, ASEAN "dễ tổn thương" trong bối cảnh an ninh khu vực hiện nay.

Trao đổi trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành khu vực châu Á, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết, Mỹ đứng đầu ngân sách chi tiêu cho quốc phòng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm 2017 với 602,8 tỷ USD. Con số này gấp 4 lần Trung Quốc với 151,5 tỷ USD.

 Tim Huxley, Giám đốc điều hành khu vực châu Á, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trao đổi tại phiên thảo luận thuộc WEF ASEAN 2018.

“Dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, vai trò quân sự của Mỹ bao phủ khắp thế giới”, TS Tim Huxley nhận định. Trong khi đó, cũng tại khu vực này, các quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản (45,7 tỷ USD) và Hàn Quốc (35,9 tỷ USD) có mức chi tiêu quốc phòng cao hơn các nước Đông Nam Á (không bao gồm Lào và Đông Timor) ở mức xấp xỉ 40 tỷ USD. 

Riêng trong khu vực Đông Nam Á, chi tiêu quốc phòng đã thay đổi trong 25 năm qua, từ 1993 đến nay và hai quốc gia chi tiêu lớn và vượt trội cho đến nay là Singapore và Indonesia. Nhìn chung, năng lực sản xuất vũ khí của Đông Nam Á không lớn, do đó các nước trong khu vực chủ yếu nhập khẩu các thiết bị quân sự quan trọng, ông Huxley nhận định.

Theo đó, trọng tâm trong các thương vụ tại Đông Nam Á liên quan đến máy bay chiến đấu, tàu hải quân, tàu chiến đặc biệt và tàu ngầm. Và danh mục các nhà cung cấp vũ khí cho Đông Nam Á đã mở rộng trong suốt 10-15 năm qua. Ngoài các nhà cung cấp truyền thống là Mỹ, Nga thì có nhiều quốc gia châu Âu, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bắt đầu thâm nhập thị trường này.

Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, chuyên gia Huxley khẳng định việc các nước ở Đông Nam Á mua sắm vũ khí có thể phần nào đóng góp vào cán cân quyền lực ở khu vực. “Các nước tăng cường năng lực quân sự sẽ gây khó khăn cho ý muốn tung hoành của Trung Quốc”, chuyên gia của IISS nhận định.

Tuy nhiên, ông Huxley cũng cho rằng, bản chất của “năng lực quân sự” không chỉ dừng ở việc đầu tư mua vũ khí. “Chúng ta không thể đến siêu thị quốc phòng để mua vũ khí như hàng hóa trên giá”. Theo đó, năng lực quân sự còn bao gồm nhiều yếu tố khác như năng lực lãnh đạo, hoạt động huấn luyện đào tạo, dịch vụ cơ sở hậu cần và sự hỗ trợ từ cộng đồng lớn hơn, và một điều quan trọng là những kĩ năng chiến đấu.

Tại khu vực Đông Nam Á, ông Huxley đánh giá cao hai quốc gia nổi bật về năng lực quân sự thông thường, năng lực có thể tham chiến là Việt Nam và Singapore, trong đó, năng lực tham chiến của Việt Nam đã được rèn luyện trong các cuộc chiến lịch sử.

Chuyên gia từ IISS cũng nhấn mạnh, cán cân quyền lực tại châu Á đang bị thách thức, với 3 yếu tố quan trọng là sự kiên quyết của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, sự đáng tin của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với tư cách là đối tác và đồng minh của các nước trong khu vực, và vai trò của ASEAN. Trong bối cảnh đó, ASEAN đang rất “dễ tổn thương” bởi khối còn chia rẽ trong quan điểm ủng hộ một trong hai bên Mỹ và Trung Quốc.

Theo đó, ông Huxley đưa ra hai phương thức cho ASEAN để ứng phó với những thách thức an ninh hiện tại. Thứ nhất các nước ASEAN cần là tăng cường khả năng chống đỡ của quốc gia và nâng cao khả năng này ở mức độ khu vực.

Thứ hai, các nước thành viên tăng cường hợp tác với các nước cả về ngoại giao và kinh tế, cởi mở với nhiều đối tác trong và ngoài khu vực thể hiện vai trò trong các vấn đề có lợi ích chung, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia hay châu Âu. “Việt Nam đã làm tốt điều này trong thời gian qua”, ông Huxley nhận định.